Tạo ra những đột phá nhờ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân

(Dân trí) - Khác với quan niệm cho rằng, ứng dụng chủ yếu của kỹ thuật hạt nhân là điện hạt nhân thì trên thực tế, các ứng dụng khác của năng lượng hạt nhân mang lại lợi ích còn lớn hơn cả điện hạt nhân. Việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đang được áp dụng sâu rộng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế… của Việt Nam và đã tạo ra rất nhiều bước đột phá.


Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 đã đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu xoay quanh việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào trong công nghiệp, nông nghiệp và y tế.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 đã đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu xoay quanh việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào trong công nghiệp, nông nghiệp và y tế.

Theo GS Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ NN&PT Nông thông, trong lĩnh vực nông nghiệp năng lượng hạt nhân có tiềm năng ứng dụng rất lớn. Đó là ứng dụng trong các lĩnh vực chiếu xạ kiểm dịch, bảo quản nông sản; sản xuất các chế phẩm có hoạt tính sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp; nghiên cứu tối ưu các chế độ quản lý đất, phân bón, môi trường và dinh dưỡng cây trồng, vật nuôi; trong lĩnh vực bảo vệ thực vật như chiếu xạ tiệt sản côn trùng.

Đặc biệt trong lĩnh vực tạo giống cây trồng bằng đột biến phóng xạ kỹ thuật hạt nhân có ứng dụng rất lớn. Tính đến cuối năm 2016 đã có 3.234 giống cây trồng đột biến, thuộc 220 loài khác nhau, được tạo ra và đưa vào sản xuất ở các nước khác nhau, mang lại hàng tỷ đô la lợi nhuận cho nông dân.

Việt Nam bắt đầu nghiên cứu tạo giống đột biến chậm hơn so với các nước khác, tuy vậy số giống đột biến của Việt Nam tạo ra và đưa vào sản xuất tính đến cuối năm 2016 đã đạt 67 giống. Bao gồm các giống lúa, đậu tương, sắn, mía, cây hoa, cây cảnh… Các giống đột biến đã đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực của đất nước từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, mang lại hàng trăm triệu đô la lợi nhuận cho nông dân hàng năm.

“Đặc điểm của kỹ thuật chọn giống bằng đột biến là không đòi hỏi máy móc thiết bị phức tạp, cán bộ có trình độ cao, suất đầu tư không cao mà mang lại kết quả nhanh, lợi nhuận lớn. Đột biến phóng xạ và các phương pháp công nghệ sinh học ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau, nâng mức chính xác và hiệu quả của đột biến.” – GS Hàm cho biết.

Trong lĩnh vực Y tế, GS Mai Trọng Khoa – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư hiện có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao và đang càng ngày càng tăng trên toàn thế giới. Việc sàng lọc, chẩn đoán sớm là hết sức quan trọng để tăng tỷ lệ chữa khỏi, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật từ đó giảm gánh nặng kinh tế - xã hội. Tiến bộ của các phương tiện ghi hình, đặc biệt là ghi hình kết hợp (Xquang và Y học hạt nhân) như PET/CT, SPEC/CT, PET/MIR đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định đúng giai đoạn bệnh và giúp lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh nhằm kéo dài thời gian sống thêm trong khi nâng cao chất lượng cuộc sống.


“Ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư” của GS Mai Trọng Khoa, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội được giới thiệu tại Hội k=. Kỹ thuật này được đánh giá là tiết giảm chi phí và tăng cơ hội sống cho người bệnh.

“Ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư” của GS Mai Trọng Khoa, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội được giới thiệu tại Hội k=. Kỹ thuật này được đánh giá là tiết giảm chi phí và tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Cũng theo GS Khoa, kết quả điều trị ung thư đã có những bước tiến đáng kể nhờ vào các nghiên cứu tìm tòi cải tiến ứng dụng các phương pháp điều trị cổ điển (phẫu thuật – hóa chất – xạ trị) như phẫu thuật nội soi, các phác đồ hóa chất kết hợp, xạ trị điều biến liều, xạ trị điều biến thể tích, xạ trị định vị, xạ phẫu, mô phỏng bằng PET/CT, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc, xạ trị trong mổ,… cũng như việc tìm ra các phương pháp điều trị các phương pháp điều trị mới như điều trị đích, điều trị miễn dịch, điều trị miễn dịch phóng xạ, sử dụng proton và ion nặng.


Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đang tạo ra những bước đột phá trong điều trị ung thư (ảnh minh họa)

Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đang tạo ra những bước đột phá trong điều trị ung thư (ảnh minh họa)

Trao đổi với các nhà khoa học tại Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 đang diễn ra ở Nha Trang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng khẳng định, lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam trong những năm qua đang phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy vậy, ngành cần tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ, tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Trao đổi rõ hơn về những khó khăn hiện nay trong việc đưa kỹ thuật hạt nhân vào phát triển nông nghiệp, GS Lê Huy Hàm nhấn mạnh: Tuy thành tựu và đóng góp của các kỹ thuật hạt nhân cho nông nghiệp đã được thừa nhận rộng rãi ở trong và ngoài nước, nhưng ở Việt Nam, các nghiên cứu trong lĩnh vực này chưa được chú ý đúng mức. Các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong việc kiểm soát phân bón, môi trường, dinh dưỡng cây trồng và kỹ thuật tiệt sản côn trùng rất ít. Các nghiên cứu về sử dụng đột biến cho chọn tạo giống càng ngày càng ít đi.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do chúng ta không có chương trình ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp. Các cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực này không thể có nguồn kinh phí từ các chương trình đang có trong nước. Chính vì vậy mà chúng ta đang bỏ qua một tiềm năng to lớn ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp – một lĩnh vực truyền thống mà chúng ta đã có” – GS Hàm nói.

Hội nghị lần thứ 12 do Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức, kéo dài trong 3 ngày, từ 2-4/8. Hội nghị được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 1996 sau khi được Bộ KH&CN cho phép.

Đây là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu các báo cáo, kết quả nghiên cứu công bố ở Hội nghị tại địa chỉ: http://vinanst.vinatom.gov.vn

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm