Tăng nhận thức cho người nông dân qua những chương trình thực tế

Lần đầu tiên, cuộc thi tìm hiểu “Quy trình canh tác lúa thông minh – thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức dưới sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT), tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bayer Việt Nam cho các hộ nông dân nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam, thành viên ban điều hành dự án BRIA phát biểu khởi động cuộc thi
Ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam, thành viên ban điều hành dự án BRIA phát biểu khởi động cuộc thi

Đây là một trong những chương trình thuộc dự án Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực Châu Á (Better Rice Innitiative Asia – viết tắt “BRIA”) thuộc khuôn khổ chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) đang được triển khai tại 03 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Hậu Giang và Kiên Giang).

Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về quy trình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng dành cho hợp tác xã (HTX) thành viên của dự án BRIA, hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ tạo ra những mô hình canh tác lúa mới để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo thêm nhiều kênh trao đổi khoa học, kỹ thuật canh tác lúa giữa các HTX, các hộ sản xuất cũng như tạo tiền đề cho việc tuyên truyền nhân rộng các mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa đạt hiệu quả cao phù hợp với điều kiện canh tác mới trong khu vực.

Cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày 21/9/2017 tại Thành phố Cần Thơ, qua 3 vòng thi: Vòng 1, từng HTX thi trắc nghiệm tìm hiểu “Quy trình canh tác lúa thông minh – thích ứng với biến đổi khí hậu”; Vòng 2, ứng phó nhanh với việc ứng dụng kiến thức vừa tìm hiểu ở vòng thi trước vào quy trình canh tác lúa; Vòng 3, liên minh HTX - 21 HTX sẽ đồng tâm hiệp lực, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp cho đề tài thực tế mà hội đồng giám khảo đặt ra về quá trình canh tác lúa trước biến đổi khí hậu.

Đối tượng dự thi là 21 HTX gồm những hội viên sản xuất kinh doanh được các cấp Hội Nông dân tuyên dương sản xuất giỏi trong những năm qua, đã tham gia thực hiện thí điểm mô hình hợp tác công tư chuỗi giá trị lúa gạo tại vùng dự án BRIA và mở rộng ra 07 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của dự án ICMP (An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang).


07 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của dự án IC đã tham gia thực hiện thí điểm tại vùng dự án BRIA.

07 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của dự án IC đã tham gia thực hiện thí điểm tại vùng dự án BRIA.

Cơ cấu giải thưởng bao gồm: 1 giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải Nhì trị giá 10 triệu đồng; 19 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá hơn 1 triệu đồng. Tổng giá trị giải thưởng là 50 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Nga, đại diện tổ chức GIZ cho biết: “Cuộc thi nhằm củng cố, nâng cao nhận thức của nông dân về quy trình canh tác lúa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu mà các hộ nông dân đã thực hiện thí điểm thông qua mô hình hợp tác công tư chuỗi giá trị lúa gạo vừa qua. Mô hình thí điểm của dự án đã chứng tỏ hiệu quả của qui trình canh tác mới, giảm chi phí đầu vào như giảm sử dụng nước tưới, giống lúa, nâng cao chất lượng hạt gạo, thiết lập và tăng cường liên kết thị trường. Nhờ đó, thu nhập của nông dân được cải thiện. Chúng tôi mong muốn cuộc thi sẽ là tiền đề để tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.”

Bà Nguyễn Thị Phương Nga, đại diện tổ chức GIZ chia sẽ tại hội thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Nga, đại diện tổ chức GIZ chia sẽ tại hội thảo

Ông Trần Văn Nhãn – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Tỉnh Đồng Tháp, đại diện Ban giám khảo cuộc thi cho biết: “Với nội dung mới lạ, hấp dẫn, các HTX cùng tham gia giải quyết những vấn đề canh tác thực tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhờ đó, cuộc thi sẽ lan tỏa và đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền nhân rộng mô hình “Quy trình canh tác lúa thông minh – thích ứng với biến đổi khí hậu”; nâng cao hiệu quả tính bền vững trong chuỗi giá trị cũng như chuyển giao những kiến thức cần thiết trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào trồng trọt.”

Thông qua cuộc thi, ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam, thành viên ban điều hành dự án BRIA gửi thông điệp đến các HTX và các hộ nông dân trên toàn quốc: “Tác động của biến đổi khi hậu ngày càng rõ ràng, đặc biệt là đối với nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có một quy trình canh tác lúa thông minh và thích ứng tốt với tình hình thực tế của biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết.

Cuộc thi là cơ hội để nông dân trao đổi kinh nghiệm nhằm cải thiện sản xuất một cách hiệu quả hơn và phát triển doanh nghiệp theo định hướng thị trường bền vững. Sau cuộc thi này, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều giải pháp canh tác sáng tạo và bền vững từ chính những hộ nông dân tham gia. Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng với bà con nông dân để phát triển các giải pháp tiên tiến trên quy mô rộng hơn”.

Khắc Phương