1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tận diệt giun đất: Lợi bất cập hại

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Tình trạng người dân sử dụng máy kích giun bắt và rao bán loài động vật này cho các thương lái đang gây ra mối đe dọa lớn đối với chất lượng đất nông nghiệp.

Tận diệt giun đất: Lợi bất cập hại - 1

Người dân bắt giun đất, sấy khô sau đó bán cho những thương lái nước ngoài (Ảnh minh họa: Phúc Minh Điện).

Vừa qua, nhiều phương tiện truyền thông báo chí phản ánh về tình trạng các thửa đất nông nghiệp của nông dân liên tục bị người lạ sử dụng máy xung điện để kích giun đem bán. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm trước việc sử dụng máy kích điện để bắt giun đã diễn ra tại nhiều địa phương, người dân bắt giun bán cho thương lái nước ngoài.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn giao dịch loại động vật này, họ (thương lái) bất ngờ bặt vô âm tính, để lại cho những người dân hàng tấn giun đã được sấy khô, không thể trả lại về tự nhiên. 

Sau thời gian im ắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng kích giun bán đã xuất hiện trở lại, tràn lan trên nhiều tỉnh thành như Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang...

Nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn, những thửa đất nông nghiệp sẽ không thể canh tác, trở thành đất chết.

Tận diệt giun đất: Lợi bất cập hại - 2

Chủ vườn cam treo biển cấm người lạ vào kích giun (Ảnh: Phúc Minh Điện).

Khảo sát phóng viên trên mạng xã hội, chỉ với cụm từ khóa "máy kích giun đất", có tới hàng chục bài đăng rao bán loại thiết bị này, mức giá dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Việc buôn bán tràn lan các sản phẩm này không có sự kiểm soát, vô tình đã tiếp tay cho nhiều người kích giun đất bán kiếm thu nhập. 

Hoạt động của giun trong đất mang lại nhiều lợi ích như năng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, thoát nước tốt hơn và khiến cấu trúc đất ổn định. Tất cả đều giúp cải thiện năng suất cây trồng, vì thế chúng được mệnh danh là "dũng sĩ" trong nông nghiệp.

Vai trò của giun trong đất

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên trang Department of Primary Industries, giun ăn các mảnh vụn thực vật (rễ chết, lá, cỏ, phân) và đất.

Hệ thống tiêu hóa của giun tập trung các thành phần hữu cơ và khoáng chất có trong thức ăn, vì vậy phôi của chúng rất giàu chất dinh dưỡng.

Trong quá trình sống, giun luôn giải phóng nitơ vào môi trường và khi chúng chết đi sẽ phân hủy nhanh chóng, tiếp tục góp phần vào hàm lượng nitơ trong đất.

Tận diệt giun đất: Lợi bất cập hại - 3

Một chiếc máy kích giun có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng (Ảnh: mạng xã hội).

Nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand cho thấy, phân giun giải phóng lượng phốt pho cao gấp bốn lần so với đất bề mặt. Chúng còn để lại phôi giàu chất dinh dưỡng trong các đường hầm trong quá trình chúng đào đất, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của rễ cây. 

Các đường hầm cũng cho phép rễ cây trồng đâm sâu hơn vào đất, giúp cây có thể tiếp cận thêm độ ẩm và chất dinh dưỡng. 

Nhóm nhà khoa học trong nghiên cứu giải thích: "Việc phân luồng và đào hang rộng rãi từ giun sẽ nới lỏng, thông khí và cải thiện khả năng thoát nước của đất. Đất có giun sẽ thoát nước nhanh gấp 10 lần đất không có chúng.".

Nghiên cứu đã chỉ ra, giun đất để lại phôi của chúng trên bề mặt giúp xây dựng lại lớp đất mặt. Trong điều kiện thuận lợi, chúng có thể mang lại khoảng 50 tấn/ha hàng năm, đủ để tạo thành một lớp sâu 5mm và chúng đã xây dựng lớp đất mặt dày 18cm trong 30 năm.

Các nhà khoa học phân tích mẫu đất trên một số đồng cỏ ở New Zealand và Tasmania đã phát hiện, giun đất được đưa vào đồng cỏ lâu năm không có giun đã giúp tốc độ tăng trưởng đồng cỏ tăng 70-80%. Những đồng cỏ năng suất cao có tới 7 triệu con giun trên một ha, tổng số lượng chúng ước tính khoảng 2,4 tấn. 

Sự hiện diện của giun trong đất là một chỉ báo tốt về điều kiện thích hợp cho sự phát triển cây trồng.

Chính vì thế, người dân không nên bắt giun để bán kiếm thu nhập, giá trị kinh tế từ việc làm này không thể bù đắp được cho hệ quả những thửa đất nông nghiệp trở nên nghèo nàn chất dinh dưỡng, không thể canh tác cây trồng. Điều đó chắc chắn gây thiệt hại nặng cho người nông dân.