1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tại sao những con chó bị bỏ lại ở Chernobyl vẫn phát triển đến ngày nay?

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Những hạt phóng xạ từ vụ nổ lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát ra năng lượng đủ mạnh để xé toạc các phân tử bên trong tế bào.

Tại sao những con chó bị bỏ lại ở Chernobyl vẫn phát triển đến ngày nay? - 1

Những con chó vẫn phát triển và sinh sản ở Chernobyl dù sống trong môi trường phơi nhiễm phóng xạ (Ảnh: National Geographic).

Điều này có thể cắt đứt các liên kết hóa học trong DNA, gây ra đột biến. 

Vậy tại sao những con chó hoang xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn có thể sinh sản và phát triển cho đến ngày nay?

Các nhà khoa học đã lý giải được một phần vấn đề này.

Vào năm 2017, nhà khoa học Timothy Mousseau, Đại học Nam Carolina (Mỹ) đã đến Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, anh bất ngờ vì số lượng chó đi lạc trong Khu vực loại trừ đã tăng đến 750 con.

Đây chính là những hậu duệ mà cha mẹ chúng đã bị bỏ lại bởi những cư dân trong cuộc sơ tán khẩn cấp sau khi vụ nổ lò phản ứng số 4 xảy ra.

Trong vòng 36 giờ, chính quyền Liên Xô (tên gọi lúc bấy giờ) đã sơ tán khoảng 350.000 cư dân của thị trấn Pripyat (Ukraine ngày nay), cách nhà máy điện Chernobyl khoảng 3,2 km.

Trong số họ có nhiều người chỉ mặc quần áo bình thường mà không được trang bị đồ bảo hộ chống bức xạ hạt nhân do số lượng không đủ và theo quy định cuộc sơ tán, mọi người buộc phải bỏ lại vật nuôi của mình.

Hai nhà khoa học Elaine Ostrander, người điều hành Dự án Bộ gen Chó tại Viện Nghiên cứu Bộ gen Người Quốc gia và Mousseau đã cùng hợp tác với Quỹ Tương lai Sạch (CFF) của Hoa Kỳ đến Ukraine để thực hiện một chương trình nghiên cứu gen của những con chó còn sống ở đây. 

Anh ta đã thu thập các mẫu máu và mô của chúng để phân tích và giải mã DNA trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022.

Theo đó, nghiên cứu đã tiết lộ cấu trúc di truyền của 302 giống chó lai ở Chernobyl, giải mã phả hệ của chúng và phát hiện 15 họ khác nhau.

Những kết quả này đã cung cấp dữ liệu sơ bộ, đồng thời là tiền đề quan trọng để các nhà khoa học khám phá việc phơi nhiễm phóng xạ mãn tính đã ảnh hưởng như thế nào đến di truyền của những con chó. 

Nhà khoa học Ostrander đưa ra giả thuyết, có thể những con chó ở đây đã có sự đột biến gen khá lớn khiến nó chống lại các chất phóng xạ để tồn tại.

Kết quả cuối cùng cho thấy, những con chó đột biến gen có thể được truyền lại từ tổ tiên sống sót sau vụ nổ vào năm 1986.

Phát hiện này có thể thay đổi kiến thức về tác động của tia bức xạ đối với động vật có vú, bao gồm cả con người.

Những con chó bị bỏ rơi

Vụ nổ lò phản ứng số 4 của nhà máy điện Chernobyl đã phun chất phóng xạ vào khí quyển lớn hơn 400 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản).

37 năm sau, hầu hết bức xạ đến từ các chất cesium, stronti, plutoni, urani vẫn còn tồn tại lâu dài từ trong lòng đất đến môi trường xung quanh nhà máy điện, chúng phát ra năng lượng đủ mạnh để xé toạc các phân tử bên trong tế bào. 

Tại sao những con chó bị bỏ lại ở Chernobyl vẫn phát triển đến ngày nay? - 2

Hằng ngày những con chó tại Chernobyl được cho ăn bởi các nhà khoa học hay những khách du lịch đến đây tham quan (Ảnh: National Geographic).

Hậu quả có thể cắt đứt các liên kết hóa học trong DNA gây ra đột biến, châm ngòi cho ung thư, giảm tuổi thọ và làm suy giảm khả năng sinh sản dù các tế bào có cơ chế phát hiện và sửa chữa những khác thường về gen.

Trong cuốn sách đoạt giải Nobel "Chernobyl Prayer" (tạm dịch: Lời nguyện cầu Chernobyl) của nhà báo Svetlana Alexievitch, bà đã tái hiện lại những ngày đầu đáng sợ của thảm họa, trong đó có cả những tổn thương tâm lý mà cư dân xung quanh nhà máy điện trải qua khi họ phải bỏ rơi thú cưng của mình. 

"Các gia đình rất đau lòng khi phải bỏ rơi vật nuôi của mình ở lại vùng đất chết chóc Chernobyl. Trước khi rời đi, họ đã dán những tờ ghi chú vào cửa nhà với dòng chữ: Đừng giết Zhulka của chúng tôi. Nó là một con chó ngoan.

Một người khác nhớ lại: Những con chó gầm hú và cố gắng chạy lên xe buýt, song những người lính quân đội đã đẩy chúng ra và nhiều con trong số đó đã chạy theo những chiếc xe buýt chở những người sơ tán.

Ngay sau đó, quân đội đến, họ bắn những con chó để hạn chế sự lây lan các chất ô nhiễm phóng xạ và bệnh tật. Nhiều con trong số đó đã chạy trốn khỏi những "kẻ hành quyết" vào sâu trong khu rừng xung quanh nhà máy điện hạt nhân hay ở thị trấn Pripyat", trích cuốn sách Chernobyl Prayer.

Thời gian sau, hàng ngàn công nhân đã cùng nhau góp sức xây dựng chiếc quách khổng lồ bao trùm lò phản ứng số 4 bị hư hại sau vụ nổ nhằm hạn chế các chất phóng xạ phân tán thêm vào môi trường.

Kể từ đó, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã trở thành một điểm đến cho những người ưa du lịch mạo hiểm và những con chó sống sót sau đợt "thanh trừng" cũng đã di cư trở lại đây.

Chúng được mọi người cho ăn, bất chấp việc sống trong môi trường phóng xạ, những con vật này vẫn còn gia đình, sinh sản và để lại những hậu duệ đến ngày nay.

Khi số lượng loài của chúng tăng lên nhanh chóng, các nhà khoa học đã bày tỏ mối lo ngại về bệnh dại leo thang.

Và Quỹ Tương lai Sạch đã thực hiện nhiều chương trình về chăm sóc sức khỏe cho những con chó ở Chernobyl.

Trên mặt đất 

Jennifer Betz, bác sĩ thú y làm việc tại Chernobyl cho biết: "Chúng tôi bắt những con chó, thiến, tiêm phòng và gắn chip định vị... để theo dõi sau đó thả chúng ra trở lại môi trường tự nhiên".

"Những con chó này không thể được đưa ra khỏi Khu vực loại trừ, vì nó có thể mang một lượng đáng kể chất gây ô nhiễm phóng xạ trong lông hoặc trong xương của chúng", Jennifer Betz nói.

Tại sao những con chó bị bỏ lại ở Chernobyl vẫn phát triển đến ngày nay? - 3

Chiếc quách khổng lồ nhìn từ trên cao bao trùm lò phản ứng số 4 của nhà máy điện để hạn chế các chất phóng xạ tiếp tục phát tán ra môi trường (Ảnh: National Geographic).

Vào năm 2018, Cơ quan Quản lý Khu vực Loại trừ đã cho phép các gia đình ở Mỹ và Canada nhận nuôi 36 chú chó con mà cha mẹ chúng đã mất sau khi sinh.

Dĩ nhiên, những con chó này đã được tẩy các chất ô nhiễm phóng xạ. 

Trước khi được sinh ra, chúng đã tiếp xúc với bức xạ hạt nhân ngay khi còn ở trong tử cung mẹ và nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi chúng trong suốt quãng đời còn lại để phát hiện các khối u, ung thư hạch hoặc các vấn đề sức khỏe khác do các chất phóng xạ có thể gây ra.

Erik Kambarian, Chủ tịch của Quỹ Tương lai Sạch cho biết, những con chó sống xung quanh lò phản ứng chịu đựng bức xạ cao hơn hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn lần mức bình thường.

Lập bản đồ đột biến gen

Phân tích của nhà khoa học Ostrander đã xác định hai quần thể chó riêng biệt.

Đầu tiên, một quần thể sống trong vùng lân cận của nhà máy điện, chiếm hơn nửa số lượng chó ở Chernobyl có liều lượng phóng xạ cao.

Quần thể còn lại sống lang thang ở khu vực ít ô nhiễm hơn, cách nhà máy điện khoảng 15km. Đây cũng là nơi các nhà khoa học sinh sống.

Bên cạnh đó, một số rất ít những con chó cách xa tới 45km ở khu vực Slavutych (Ukraine ngày nay).

Nhà khoa học Ostrander không chỉ giải trình tự bộ gen của những con chó, mà còn xác định được giống của chúng.

Cụ thể, cả hai quần thể đều mang DNA từ giống chó chăn cừu Đức và Đông Âu.

Phát hiện này cung cấp thông tin quan trọng về phương pháp di truyền để các nhà nghiên cứu có thể hiểu về cách đột biến di truyền liên quan đến bệnh tật, đặc biệt là ở động vật có xương sống.

Thời gian tới đây, các nhà khoa học sẽ xem xét cụ thể những phần nào của bộ gen đã thay đổi trong 37 năm qua.

Và họ hy vọng sẽ trả lời được nhiều câu hỏi. Điều gì phải xảy ra để những chú chó con vẫn có thể sinh ra an toàn và phát triển bình thường hay các gen đã thay đổi có trùng với những gì khoa học đã biết về ảnh hưởng của bức xạ đối với đột biến DNA hay không?

Theo www.nationalgeographic.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm