Tại sao nên ích kỷ trong công việc?
(Dân trí) - Giúp đỡ người khác sẽ dẫn đến “kiệt quệ lòng hảo tâm” và có thể làm hỏng sự nghiệp của bạn.
Chúng ta luôn được khuyến khích để giúp những người khác trước khi giúp chính mình. Và tại nơi làm việc, việc đặt những nhu cầu của mình lên trước với mọi người thường được coi là hành vi ích kỷ.
Nhưng nghiên cứu mới đây cho biết vị tha tại nơi làm việc có thể gây phản tác dụng. Chi phí phải trả cho lòng tốt của bạn đó chính là hủy hoại cơ hội thành công về sau này.
Trong một bài báo cho tạp chí The Harvard Business Review, Giáo sư -Tiến sĩ Adam Grant đến từ trường kinh tế Wharton thuộc Đại học Pennsylvania và nhà nghiên cứu Reb Rebele đến từ trường Wharton People Analytics đã khám phá về thuật ngữ “kiệt quệ lòng hảo tâm”.
Họ tin rằng lòng vị tha trong công việc sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, và thật trớ trêu là thường làm tổn thương những người mà bạn có ý định giúp đỡ.
“Mặc dù người hay giúp đỡ là những người có giá trị lớn nhất trong các tổ chức, họ cũng có nguy cơ kiệt quệ cao nhất. Khi họ không thể tự bảo vệ mình, các khoản đầu tư ở những nơi khác có thể làm cho họ này cảm thấy quá tải và mệt mỏi, thậm chí rơi lại phía sau những mục tiêu công việc, và phải đối mặt với nhiều căng thẳng và xung đột trong gia đình.”, các tác giả đã viết trên tạp chí Harvard Business Review.
Trong nghiên cứu hiện chưa được công bố, nhóm tác giả có Tiến sĩ Grant và ông Rebele đã nghiên cứu trên diện rộng các ngành nghề. Một bộ dữ liệu đến từ một nghiên cứu đã được tiến hành với hơn 400 giáo viên trong các trường học trên khắp nước Mỹ. Vào thời điểm đầu năm, những đối tượng nghiên cứu đã được đặt câu hỏi về cách tiếp cận để giúp đỡ người khác. Và câu trả lời của họ đã cho phép các tác giả dự đoán học sinh của mình sẽ làm tốt đến mức nào trong các kỳ thi vào cuối năm.
Dưới đây là một mẫu câu hỏi từ thử nghiệm của họ, được trích dẫn trong Business Insider:
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang dạy môn hình học, và bạn đã tình nguyện ở lại sau giờ học một ngày trong tuần để giúp một trong những sinh viên của mình, là Alex, nâng cao khả năng về môn hình học. Alex hỏi rằng liệu bạn có thể giúp bạn của em ấy là Juan, người không có trong lớp học của bạn. Bạn sẽ làm gì?
a. Lên lịch một buổi phụ đạo sau giờ học để giúp Juan, do đó bạn có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu của Juan.
b. Mời Juan ngồi học cùng buổi hình học với Alex.
c. Nói với Alex rằng việc giúp Juan là một việc tốt, nhưng Alex thực sự cần phải tập trung vào việc học của mình để theo kịp tiến trình.
d. Nói với Alex rằng Juan nên hỏi giáo viên của em ấy để được giúp đỡ.
Thật ngạc nhiên, những học sinh với giáo viên chọn đáp án A đã có kết quả tệ nhất trong kỳ thi cuối năm. Các giáo viên mà lựa chọn bảo vệ chính mình và ít vị tha thì có những học sinh điểm cao hơn.
Các tác giả cho biết : “Những thầy cô có lòng vị tha đang vắt kiệt sức mình để cố gắng giúp đỡ những yêu cầu của tất cả các học sinh. Cuối cùng, họ đã làm hư toàn bộ học sinh mà họ muốn giúp đỡ.”
Không những trong công tác giảng dạy mà những người vị tha còn phải chịu khổ nhiều ở nơi làm việc và chìm đắm trong việc quản lý và kết quả là không thể theo đuổi những mục tiêu của riêng mình.
Nghiên cứu của nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng những người bảo vệ thời gian cá nhân có thể đóng góp nhiều nhất cho mục tiêu lâu dài. Vấn đề là ở việc cân bằng thời gian vì khi bạn giúp người khác, bạn đã không còn thời gian cho mục tiêu của mình.
Tiến sĩ Grant và ông Rebele giải thích rằng bạn cần phải nhớ ba điều quan trọng khi giúp đỡ mọi người : Đó là sự chu đáo trong cách làm; Thời điểm và đối tượng bạn giúp đỡ; Không ai có thể đủ thời gian để giúp đỡ người khác.
Thành Hưng (Theo Dailymail)