Tại sao con người cần ngủ?
(Dân trí) - Giấc ngủ rất quan trọng đối với bộ não của chúng ta, nhưng chức năng chính của nó thay đổi đáng kể tùy thuộc vào độ tuổi của chúng ta.
Ngay cả trong khi ngủ, bộ não của chúng ta vẫn bận rộn. Giả thuyết được các nhà khoa học quan tâm đó là bộ não của chúng ta đang tự sửa chữa, loại bỏ độc tố hoặc nó đang học hỏi đồng thời cải thiện.
Để điều tra thêm, nhóm nghiên cứu đã phân tích bộ dữ liệu như tổng thời gian ngủ, giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), khối lượng chất trắng và kích thước não từ hơn 60 nghiên cứu để xác định xem một trong hai giả thuyết có chiếm ưu thế hay không.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự thay đổi lớn về mục đích của giấc ngủ xảy ra khi trẻ 2,4 tuổi. Cho đến thời điểm đó, não của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi sử dụng giấc ngủ REM để tự tổ chức lại. Sau đó, giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh trở nên chiếm ưu thế. Các nhà khoa học tin rằng đó là khi công việc chính của não trong khi ngủ là tự làm sạch và sửa chữa.
Van Savage, giáo sư sinh thái học, sinh học tiến hóa và y học tính toán từ Đại học California, cho biết: "Tôi đã bị sốc vì sự thay đổi này lớn như thế nào trong một khoảng thời gian ngắn và sự chuyển đổi xảy ra khi chúng ta còn quá trẻ”.
Theo các tác giả, trẻ sơ sinh ngủ khoảng 50% thời gian trong giai đoạn REM. Khi lên 10, chỉ 1/4 giấc ngủ của chúng là REM và nó tiếp tục giảm dần theo tuổi tác. Người lớn trên 50 tuổi chỉ dành 15% giấc ngủ của họ trong trạng thái REM.
“Giấc ngủ cũng quan trọng như thức ăn. Thật kỳ diệu khi giấc ngủ phù hợp với nhu cầu của hệ thần kinh của chúng ta. Từ sứa, chim đến cá voi, tất cả mọi người đều ngủ. Trong khi chúng ta ngủ, não bộ của chúng ta thực tế không nghỉ ngơi”, Gina Poe, giáo sư sinh học và sinh lý học tích hợp của Đại học California giải thích.
Nhóm nghiên cứu cho biết đã thu thập dữ liệu từ cả nghiên cứu trên người và động vật. Mặc dù có một số điểm tương đồng thú vị giữa chúng ta và các động vật có vú khác, các nhà khoa học tin rằng cần có thêm dữ liệu để hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa thúc đẩy hoạt động của não bộ trong khi ngủ.
"Tôi rất muốn xem liệu khung giấc ngủ của chúng ta có thể được mở rộng cho các loài động vật có vú khác hay không", tiến sĩ Junyu Cao, từ Đại học Texas tại Austin, giải thích.
Nghiên cứu hiện tại cũng cho thấy thiếu ngủ mãn tính có vai trò trong rối loạn nhận thức, sa sút trí tuệ, tiểu đường và béo phì.