Sự thật về vật thể "trá hình" sao chổi, khiến Trái Đất đổ mưa sao băng
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra bí ẩn đằng sau 3200 Phaethon, tiểu hành tinh gây ra mưa sao băng Geminids.
Theo Sci-News, mưa sao băng thường đến từ sao chổi do Trái Đất đi qua chiếc đuôi đầy đá bụi của chúng. Sở dĩ 3200 Phaethon có khả năng kỳ lạ đó, là vì nó đã có những hoạt động "bắt chước" sao chổi. Câu trả lời chính là hiện tượng tỏa hơi natri ồ ạt mỗi lần tiểu hành tinh tiến gần mặt trời.
Quá trình kỳ lạ khiến 3200 Phaethon cũng có một chiếc đuôi đầy đá bụi, tỏa hào quang y hệt sao chổi cho dù nó vẫn là một tiểu hành tinh.
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi NASA, hiện tượng này xảy ra khi tiểu hành tinh đi đến khu vực gần Mặt Trời trong quỹ đạo 524 ngày của nó. Lúc này nó nằm lọt thỏm trong quỹ đạo của Sao Thủy, bề mặt được làm nóng lên tới 750 độ C. Khi đó, natri đã bốc hơi mạnh mẽ và tạo ra ánh sáng màu cam dưới ống kính thiên văn.
Theo tiến sĩ Bjorn Davinson từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, thành viên nhóm nghiên cứu, các tiểu hành tinh như 3200 Phaethon có trọng lực rất yếu, do đó rất dễ dàng để các mảnh vỡ bị đánh bật khỏi bề mặt hoặc vết nứt. Vì vậy chỉ cần một lượng nhỏ natri bị thất thoát, các mảnh vỡ cũng bị cuốn theo, tạo nên một chiếc đuôi đá bụi lớn.
Hiện tượng này cũng giải thích lý do tiểu hành tinh này có hàm lượng natri rất thấp, bởi lẽ nguyên tố này bị thất thoát liên tục.
Để đi đến các kết quả này, các nhà khoa học đã mô hình hóa hiệu ứng gia nhiệt của tiểu hành tinh dựa trên những dữ liệu NASA thu thập được, so sánh các khoảng chất trước và sau khi nó bay gần mặt trời và tìm ra những nguyên tố bị thất thoát.
3200 Phaethon là một tiểu hành tinh chondrites carbon, nhóm vật thể cực hiếm có từ thời hệ Mặt Trời vừa ra đời, được cho là nắm giữ bí mật sự sống Trái Đất. Nghiên cứu vừa công bố trên Planetary Science Journal.