66 triệu năm trước, khủng long tuyệt chủng do một sao chổi lao vào Trái Đất
(Dân trí) - Các nhà khoa học đang tiến một bước gần hơn đến đích tìm ra nguồn gốc một tiểu hành tinh hay một sao chổi đã va vào Trái Đất làm các loài khủng long tuyệt chủng.
Ngoài khơi vùng biển Mexico vẫn còn lại một hố va chạm có tên Chicxulub, rộng 150 km và sâu 19 km. Khi vật thể khổng lồ đâm vào Trái Đất tại điểm hố va chạm này, nó đã tiêu diệt toàn bộ các loài khủng long cùng với gần 3/4 các loài động thực vật sống trên Trái Đất.
Ngày nay các nhà khoa học ở Trường đại học Harvard, Mỹ, cho rằng một mảnh rất lớn của sao chổi xuất phát từ đám mây Oort - một khối cầu băng giá gồm các mảnh vỡ thiên thạch nằm ở rìa hệ mặt trời - đã va vào từ trường của sao Mộc và bật ra, đổi hướng đi. Một phần của sao chổi này đã đến gần Mặt Trời và vỡ ra thành nhiều mảnh, làm tăng khả năng là một trong số những mảnh vỡ đó đã đâm xuống Trái Đất.
Các nhà khoa học giải thích rằng hệ mặt trời hoạt động như một máy chơi pinball. Sao Mộc, ngôi sao lớn nhất trong hệ, đã đá những ngôi sao chổi chu kỳ dài va vào nó bật trở lại và thay đổi quỹ đạo của những sao chổi này khiến chúng đến rất gần Mặt Trời.
Khi đến gần Mặt Trời, các sao chổi có thể chịu tác động của những lực triều rất mạnh làm chúng vỡ ra như những mảnh bom sao chổi. Khi một sự kiện như thế xảy ra, phần sao chổi ở gần Mặt Trời hơn sẽ chịu một lực kéo trọng lực mạnh hơn phần ở xa, tạo nên một lực triều xuyên suốt vật thể này.
Kết quả là một sự kiện gián đoạn lực triều xảy ra khiến cho sao chổi vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Và điều quan trọng nhất là trên đường trở về đám mây Oort, nhiều khả năng một trong số những mảnh vỡ này đã va vào Trái Đất.
Các phép tính toán gần đây nhất cho thấy khả năng Trái Đất chịu tác động của các sao chổi lâu đời này tăng lên 10 lần và khoảng 20% khả năng các sao chổi đó đến từ sự kiện gián đoạn lực triều nói trên.
Các nhà khoa học cho biết kết quả tính toán này nhất quán với tuổi đời của hố va chạm Chicxulub và như vậy cách giải thích về nguồn gốc và các tác động của hiện tượng này là hoàn toàn hợp lý.
Nhà thiên văn học Avi Loeb cho biết nghiên cứu này đưa ra cách giải thích cơ bản về sự xuất hiện của sự kiện tuyệt chủng khủng long cách đây 66 triệu năm.
Theo ông, trên thực tế, nếu một vật thể bị vỡ ra khi nó đang đến gần Mặt Trời thì khả năng xảy ra những sự kiện thiên văn như trên là rất cao và cũng phù hợp với dạng tác động đã quét sạch các loài khủng long trên Trái Đất vào thời điểm đó.
Những bằng chứng ở hố va chạm Chicxulub cho thấy đá ở đây có cấu tạo carbonaceous chondrite (một dạng vẫn thạch phi kim loại). Nhưng giả thuyết nói trên cũng có thể giải thích cho cấu tạo bất thường này.
Carbonaceous chondrite hiếm gặp ở các tiểu hành tinh vành đai chính, nhưng có thể tồn tại rất phổ biến ở các sao chổi chu kỳ dài, vì thế mà nó củng cố thêm cho giả thuyết về sự tác động của sao chổi.
Theo các nhà khoa học, lý thuyết của họ có thể được kiểm chứng bằng những nghiên cứu sâu hơn về các hố va chạm tương tự, và có thể cả những hố va chạm trên bề mặt Mặt Trăng và để xác định cấu tạo của những vật thể va chạm.