Sự thật bức ảnh "trâu rừng biến dị" khiến nhiều người hoang mang
(Dân trí) - Không giống như ý nghĩa khủng khiếp mà nhiều người lầm tưởng, đây là một hình ảnh hết sức bình thường đối với loài trâu rừng.
Trên mạng xã hội từng xôn xao về hình ảnh một con trâu rừng như bị biến dị với hai phần bất thường "thò ra" từ lỗ mũi, khiến người xem khiếp vía.
Nhiều người đã để lại bình luận không biết liệu con trâu này mọc sừng từ mũi, hay đây là phần thịt thừa biến dị được phát hiện trong tự nhiên.
Thế nhưng, sự thật hoàn toàn không phải như vậy.
Theo lý giải của nhiếp ảnh gia động vật Nico van Amstel, người đã chứng kiến và ghi lại hình ảnh gây tranh cãi này, thì "phần lạ" từ lỗ mũi của trâu rừng thực ra là loài chim Oxpecker bản địa của châu Phi.
Không giống như ý nghĩa khủng khiếp mà nhiều người lầm tưởng, loài chim này thực ra đang làm một công việc hết sức bình thường, đó là dọn sạch các loài bọ hay ký sinh trùng sống trong lỗ mũi của trâu.
Các nhà bảo tồn động vật cho biết mối quan hệ hội sinh thú vị giữa trâu và loài chim Oxpecker đã có từ lâu, và hoàn toàn mang đến lợi ích cho cả đôi bên.
Theo đó, nếu như trâu rừng có thể được làm sạch những vùng khó tiếp cận như lỗ mũi, lỗ tai, hàm răng... giúp chúng ít có nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm, thì những con "chim dọn dẹp" lại được tưởng thưởng bởi những bữa tiệc no nê.
Ngoài trâu rừng, chim Oxpecker cũng thường bám theo các con linh dương để kiếm ăn, vì loài động vật này thường mang trên mình một lượng lớn bọ ve kí sinh trùng. Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh luận cho rằng chính những con chim này mới thực sự là sinh vật bán-ký sinh.
Trong tự nhiên, quan hệ hội sinh thường xảy ra giữa một vật chủ cỡ lớn và một kẻ bu bám có kích thước nhỏ hơn. Tiêu biểu phải kể tới nhiều loài chim sống trên cơ thể động vật ăn cỏ có vú cỡ lớn, hoặc nhiều loài cá bám theo những con cá ăn thịt để nhặt nhạnh những mẫu thịt còn thừa.
Cũng có những kiểu hội sinh mang lại lợi ích về mặt di chuyển, như nhiều loài cá nhỏ bám trên lưng cá đuối hay những con rùa để tiết kiệm sức lực phải bơi quãng đường xa.