1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Sự thật 2 đốm xanh kỳ lạ lơ lửng trên bầu khí quyển Trái Đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Ảnh chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS hé lộ những đốm sáng màu xanh lam bí ẩn, phát sáng tại bầu khí quyển Trái Đất. Chúng là thứ gì?

Sự thật 2 đốm xanh kỳ lạ lơ lửng trên bầu khí quyển Trái Đất - 1

Hai đốm xanh kỳ lạ cùng phát sáng trên bầu khí quyển của Trái Đất (ẢNh: NASA).

Mới đây, một phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã chụp được một hình ảnh kỳ lạ về Trái Đất từ không gian. Trong ảnh là 2 đốm sáng màu xanh lam kỳ lạ, lấp lánh và trôi nổi tại bầu khí quyển. 

Sau khi được chia sẻ, nhiều chuyên gia về thuyết âm mưu đã ngay lập tức cho rằng đây là những hiện tượng siêu nhiên, hay thậm chí là tàu của người ngoài hành tinh đang hướng về Trái Đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đài quan sát Trái Đất, NASA lại có quan điểm khác. Theo nhận định của họ, mặc dù trông có vẻ như đây là những hiện tượng siêu nhiên, song trên thực tế, chúng chỉ là kết quả của hai hiện tượng tự nhiên không liên quan, được xảy ra cùng một thời điểm.

Cụ thể, vệt sáng đầu tiên ở dưới cùng của bức ảnh thực chất là một tia sét lớn nằm ở vịnh Thái Lan, mặc dù các tia sét dạng này thường khó nhìn thấy từ ISS vì chúng thường bị bao phủ bởi các đám mây.

Theo lý giải của NASA, tia sét này dường như đặc biệt lớn, xảy ra tại một khu vực trống trải, và dường như hướng về nơi đỉnh của đám mây. Điều này khiến tia sét rọi sáng những "bức tường mây", tạo ra một vòng sáng nổi bật khi quan sát từ không gian.

Vệt sáng thứ hai có thể được nhìn thấy ở góc trên bên phải của hình ảnh là kết quả của ánh sáng bị biến dạng từ Mặt Trăng.

Theo lý giải của các nhà quan sát, trong bức ảnh, Mặt Trăng đang di chuyển vào một góc nơi ánh sáng phản xạ của nó đi thẳng qua bầu khí quyển của Trái Đất, và biến thành một đốm sáng màu xanh lam, với quầng hào quang hơi mờ.

Hiệu ứng này thường xảy ra do một số tia sáng từ Mặt Trăng làm tán xạ các hạt nhỏ trong bầu khí quyển của Trái Đất. Sở dĩ chúng có màu xanh lam bởi ánh sáng này có bước sóng ngắn nhất, và có khả năng bị tán xạ cao nhất.

Hiệu ứng tương tự cũng giải thích tại sao bầu trời có màu xanh lam vào ban ngày. Đó là bởi các bước sóng màu xanh lam của ánh sáng mặt trời phân tán nhiều và trở nên dễ thấy hơn đối với mắt người, theo NASA.

Theo www.livescience.com