Sự sụp đổ đế chế Ai Cập của Nữ hoàng Cleopatra có thể liên quan đến núi lửa

(Dân trí) - Nghiên cứu các hồ sơ lõi băng (mẫu cột đá tròn thẳng đứng lấy từ một tảng băng hoặc sông băng trên núi cao - ice-core records) và các tài liệu của Ai Cập cổ đại cho thấy sức ảnh hưởng của môi trường đối với số phận triều đại của vị vua cuối cùng Vương quốc Plotemaic năm 30 Trước công nguyên (TCN).


Theo truyền thuyết, nữ hoàng đã tự sát bằng một con rắn độc. Ảnh: Garry Weaser cho The Guardian.

Theo truyền thuyết, nữ hoàng đã tự sát bằng một con rắn độc. Ảnh: Garry Weaser cho The Guardian.

Sự thất bại của Ai Cập dưới thời Nữ hoàng Cleopatra vào tay Augustus, vị hoàng đế đầu tiên của La Mã, thường được nói đến như một cuộc đấu tranh quyền lực kịch tính giữa các giới thượng lưu trên màn ảnh thế giới.

Nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng đã làm nên một liên minh chính trị với vị tướng lĩnh La Mã Mark Antony, và cũng là người tình. Nhưng lực lượng kết hợp của họ bị đánh bại tại trận chiến Actium, hai người đã tự sát và Ai Cập trở thành một tỉnh thuộc đế chế La Mã mới hình thành.

Tuy nhiên, một phân tích mới cho thấy mầm mống sự thất bại của Nữ hoàng Cleopatra có thể đã xảy ra từ một thập kỷ trước bởi sức ảnh hưởng của môi trường nằm ngoài sự kiểm soát của Người. Một vụ phun trào núi lửa khổng lồ - có thể xảy ra ở đâu đó trong vùng Nhiệt đới – liên quan đến với sự gián đoạn trầm trọng của triều cường theo mùa trên sông Nile, và hậu quả là tàn phá nền nông nghiệp của Ai Cập.

Dựa trên các bằng chứng, từ các hồ sơ ngày phun trào núi lửa trên lõi băng, Islamic Nilometer (một văn bản cổ ghi chép lịch sử mực nước sông Nile) và tài liệu về sự bất ổn xã hội của Ai Cập cổ đại, nghiên cứu cho thấy vụ phun trào núi lửa khổng lồ vào năm 44 TCN có thể đã làm suy giảm lượng nước mưa, dẫn đến nạn đói kém, dịch bệnh và bất ổn xã hội. Cuối cùng các tác giả lập luận rằng điều này có thể làm suy yếu quyền lực nắm giữ của Nữ hoàng Cleopatra trước khi thất bại năm 30 TCN, và thay đổi quá trình lịch sử thế giới.

Francis Ludlow, nhà sử học khí hậu tại Đại học Trinity Dublin, Ireland, đồng tác giả nghiên cứu, nói rằng “Chúng tôi đã chỉ ra bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt của triều cường có liên quan đến các cuộc nổi dậy và buôn bán đất đai, điều này gây ra những căng thẳng xã hội”.

Trước đây, các nhà sử học tập trung vào vòng xoáy đi xuống của triều đại Ptolemaic kéo dài 300 năm, trong đó Cleopatra là người cai trị cuối cùng, được vận hành bởi chiến tranh, suy đồi và loạn luân với việc các anh chị em thường kết hôn với nhau vì mục đích chính trị. Joe Manning, một nhà sử học tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, cũng là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết “Họ được miêu tả như những kẻ tàn ác, khủng khiếp, say xỉn, với hàm ý những kẻ ngốc say xỉn không thể điều hành đất nước. Người La Mã đã có cái nhìn thực sự tồi tệ về họ. Và điều đó có lẽ không công bằng”.

Manning nói: “Chúng tôi có một câu chuyện phức tạp hơn. Chúng tôi cho rằng môi trường và tình trạng sông Nile là yếu tố quan trọng để hiểu biết về nền kinh tế”.

Theo nhà sử học Francis Ludlow, “Do sự vắng mặt gần như hoàn toàn lượng mưa trên đất liền, nền nông nghiệp Ai Cập phụ thuộc chủ yếu vào triều cường hàng năm ở sông Nile. Nếu triều cường không tăng đủ cao, sẽ không thể trồng trọt. Điều đó quả là thảm khốc”. Các nhà lãnh đạo Ptolemaic đã phát triển rộng rãi các cửa hàng lương thực để ứng phó với sự biến đổi hàng năm của triều cường nhưng tình trạng thiếu nước trầm trọng vẫn là một điểm yếu.

Các bài báo liên quan cho thấy, vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong vòng 2.500 năm, được đánh dấu bởi hàm lượng sun-phát đạt đỉnh trong hồ sơ lõi băng, đã xảy ra vào năm 44 TCN. Một cách độc lập, nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra mối tương quan mạnh mẽ giữa các vụ phun trào núi lửa gần đây và sự suy giảm nghiêm trọng triều cường trên sông Nile dựa vào dữ liệu từ Islamic Nilometer (hồ sơ thủy văn hàng năm lâu đời nhất được biết đến, bắt đầu từ năm 622 Sau Công nguyên). Các vụ phun trào khổng lồ đã phát tán một lượng sunfua dioxide vào tầng bình lưu, hình thành những sol khí hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu xuống trái đất. Điều này làm giảm lượng nước bốc hơi từ đại dương và giảm lượng nước mưa.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy các tài liệu tham khảo về nạn đói, các cuộc nổi dậy và sự phân tán của đất đai trong nhiều hồ sơ ghi trên giấy papyrus, liên quan đến các vụ phun trào khác được tìm thấy trong hồ sơ lõi băng năm 209 TCN và 238 TCN. Và bác sỹ của Nữ hoàng Cleopatra, đã viết một bài báo về bệnh dịch hạch sau vụ phun trào năm 44 TCN, mà có thể khởi nguồn từ cuộc di cư hàng loạt đến các thành phố trong suốt nạn đói.

Nghiên cứu tạo ra một bất ngờ thú vị với số lượng ngày càng nhiều các nhà khoa học đang chuyến hướng giải thích một số sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử dựa vào hồ sơ khí hậu, dữ liệu di truyền và bệnh tật - mặc dù các kết luận này không được chấp nhận rộng rãi.

Ông Ludlow cho rằng “Các nhà sử học nghi ngờ mối liên quan giữa những sự kiện lịch sử và sự ảnh hưởng của môi trường. Mọi người không muốn cảm giác những gì đang xảy ra trong xã hội nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Họ ưu tiên giải thích lịch sử thông qua những gì mà các nhân vật vĩ đại trong lịch sử đã làm”.

Đào Hiền (Theo The Guardian)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm