Sự sống trên Trái đất bắt đầu từ đâu?

Trang Phạm

(Dân trí) - 85 triệu năm trước là khoảng thời gian được các nhà khoa học ước tính liên quan đến việc sự sống trên Trái đất hình thành sau khi bị thiên thạch bắn phá.

Sự sống trên Trái đất bắt đầu từ đâu? - 1

Trái đất được “tắm” trong 110 triệu tỷ mảnh vụn, gấp 60 lần so với khối đá vũ trụ đã quét sạch khủng long trên hành tinh của chúng ta.

Phát hiện này dựa trên sự phân tích khoảng 60 hố rộng ít nhất gần 20 km trên Mặt trăng. Những hố này đã được tạo ra bởi một tiểu hành tinh có đường kính lên tới 100km vỡ tan bắn phá tới tấp cả Trái đất và Mặt trăng. Nó có thể đã mang phốt pho được cho là khởi nguồn của sự sống.

Thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của giáo sư Kentaro Terada, Đại học Osaka, đã sử dụng hình ảnh từ camera địa hình trên tàu thăm dò quỹ đạo Mặt trăng Kaguya của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, một lớp mỏng của nguyên tố đất hiếm iridium đã được phát hiện trên toàn thế giới trong các loại đá có niên đại 66 triệu năm. Đây là bằng chứng về tiểu hành tinh rộng gần 10km đã đâm vào Vịnh Mexico gần thị trấn Chicxulub. Nó là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt trong kỷ Phấn trắng.

Giáo sư Terada cho biết: “Các miệng hố va chạm trên Trái đất được tạo ra trước 600 triệu năm trước đã bị xóa sổ do xói mòn, núi lửa và các quá trình địa chất khác. Vì vậy, để tìm hiểu về các thiên thạch cổ đại, nhóm của ông đã điều tra Mặt trăng nơi không có thời tiết hoặc xói mòn do không có bầu khí quyển”.

Giáo sư Terada và các đồng nghiệp đã phát hiện ra 8 trong số 59 miệng núi lửa trên Mặt trăng mà họ xem xét được hình thành đồng thời, bao gồm cả hố Copernicus.

Dựa trên kết quả xác định niên đại bằng vật liệu bị đẩy ra từ hố Copernicus và thông tin thu được từ các hạt thủy tinh được thu thập trong các nhiệm vụ Apollo, giáo sư Terada nói rằng Mặt trăng trải qua một trận mưa thiên thạch khoảng 800 triệu năm trước. Khi một trận mưa thiên thạch diễn ra trên Mặt trăng, một sự kiện tương tự đã xảy ra trên Trái đất.

Dựa trên xác suất va chạm, các thiên thạch có tổng khối lượng gấp khoảng 30 đến 60 lần một vụ va chạm Chicxulub đã va chạm với Trái đất.

Mặc dù không có nhiều trên Trái đất như carbon, hydro hay ôxy, phốt pho là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự sống trên hành tinh của chúng ta. Một trận mưa thiên thạch có thể đã mang một lượng phốt pho lớn đến Trái đất, ảnh hưởng đến môi trường bề mặt trên mặt đất. Nó giúp hình thành xương sống của chuỗi nucleotide dài tạo nên DNA. Phốt pho cũng rất quan trọng đối với màng tế bào và phân tử mang năng lượng tế bào ATP.

Hiểu về sự bắn phá của thiên thạch đối với Trái đất là một vấn đề có cả lợi ích khoa học và tầm quan trọng thực tế vì các tác động có thể gây nguy hiểm cho Trái đất.

"Trình tự thời gian của miệng núi lửa Mặt trăng cung cấp cái nhìn sâu sắc mới về lực lượng bên ngoài từ các tiểu hành tinh có thể đã thúc đẩy hệ sinh thái hướng tới các sinh vật lớn hơn và ngày càng phức tạp sau 800 triệu năm trước”, giáo sư Terada nhấn mạnh.