1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khoa học cảnh báo tương lai của nhân loại đang bị đe dọa

Minh Khôi

(Dân trí) - Báo cáo khí hậu năm 2024 vẽ nên bức tranh ảm đạm về những thiệt hại không thể đảo ngược, đe dọa cuộc sống con người trong tương lai.

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu

Khoa học cảnh báo tương lai của nhân loại đang bị đe dọa - 1

Người dân địa phương giúp kéo ô tô bị mắc kẹt do lũ ở Bắc Carolina, Mỹ ngày 27/9 (Ảnh: Reuters).

Một báo cáo mới được công bố trên BioScience cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu ở mức độ chưa từng có.

Theo đó, "báo cáo về tình hình khí hậu năm 2024" của một nhóm các nhà khoa học quốc tế do William Ripple và Christopher Wolf từ Đại học bang Oregon (Mỹ) dẫn đầu, đưa ra bằng chứng đáng báo động rằng biến đổi khí hậu đang tăng tốc với mức độ nguy hiểm.

Trong báo cáo, các tác giả cập nhật 35 "dấu hiệu quan trọng của hành tinh" được báo cáo hàng năm, cung cấp chuỗi thời gian liên tục về các hoạt động liên quan đến khí hậu của con người và các phản ứng với khí hậu.

Trong số những phát hiện chính, các tác giả chỉ ra rằng điều đáng lo ngại nhất là nhiệt độ và mực nước biển đã liên tục tăng, dẫn tới phá kỷ lục vào năm 2023.

Cùng với đó, là sự mất đi nhanh chóng của các tảng băng và sông băng, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Chưa hết, lượng khí thải liên quan đến năng lượng đã lần đầu tiên được ghi nhận vượt quá 40 gigaton carbon dioxide. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử, chịu trách nhiệm trực tiếp cho tần suất gia tăng của các thảm họa liên quan đến khí hậu, dẫn tới thiệt hại hàng tỷ USD trên khắp toàn cầu.

Khoa học cảnh báo tương lai của nhân loại đang bị đe dọa - 2

Biến đổi khí hậu đang để lại những hậu quả nặng nề, đưa chúng ta tiến gần giai đoạn không thể đảo ngược (Ảnh: Reuters).

Các tác giả tuyên bố: "Chúng ta đang ở bờ vực của một thảm họa khí hậu không thể đảo ngược". Tại đó, phần lớn cấu trúc của sự sống trên Trái Đất đang bị đe dọa.

Báo cáo nêu bật một số "điểm tới hạn" về khí hậu và các vòng phản hồi có thể gây ra những thay đổi thảm khốc, bao gồm sự sụp đổ của các tảng băng lớn và tình trạng hệ thực vật chết hàng loạt.

Các tác giả cũng thảo luận về các mối đe dọa mới nổi, như các con sông ở Bắc Cực chuyển sang màu cam do kim loại độc hại, một tác động xuất hiện song song với quá trình tan băng vĩnh cửu.

"Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới quan trọng và khó lường của cuộc khủng hoảng khí hậu", các nhà khoa học cảnh báo.

Họ nhấn mạnh rằng các hoạt động hiện tại của con người đã đưa Trái Đất vào quỹ đạo nóng lên khoảng 2,7 độ C vào năm 2100, vượt xa giới hạn đã thỏa thuận quốc tế là 1,5⁰C.

"Chúng ta đang ở giữa sự biến động khí hậu đột ngột, gây nguy hiểm cho sự sống trên Trái Đất và chưa từng có trong lịch sử", William Ripple nói thêm.

Dẫn chứng cơn bão Helene vừa đổ bộ vào nước Mỹ, các nhà khoa học cho biết miền đông nam và vùng núi Bắc Carolina vốn dĩ được coi là nơi trú ẩn an toàn khỏi biến đổi khí hậu, nhưng nay đã chịu thiệt hại nặng nề từ bão, gây ra hơn 200 ca tử vong.

Điều gì ngăn được "cơn thịnh nộ" của thiên nhiên?

Khoa học cảnh báo tương lai của nhân loại đang bị đe dọa - 3

Một con gấu Bắc Cực xuất hiện ở thành phố Norilsk của Nga, cách môi trường sống tự nhiên của chúng hàng trăm km (Ảnh: AFP).

"Chỉ bằng hành động quyết đoán, chúng ta mới có thể bảo vệ thế giới tự nhiên, ngăn chặn mối đe dọa tới đời sống con người và đảm bảo rằng các thế hệ tương lai được thừa hưởng thế giới đáng sống mà họ xứng đáng được hưởng", báo cáo kết luận.

Theo đó, các tác giả kêu gọi sự vào cuộc khẩn cấp từ người dân, cho đến các cấp chính quyền, bao gồm 7 điều sau:

- Áp dụng giá carbon toàn cầu, hạn chế lượng khí thải của nhóm người giàu, đồng thời có khả năng cung cấp kinh phí cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp theo.

- Nâng cao hiệu quả và bảo tồn năng lượng, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo ít carbon.

- Hạn chế phát thải khí nhà kính, bao gồm cả những loại khí được phân loại là chất gây ô nhiễm ngắn hạn như mêtan.

- Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái đa dạng sinh học, đóng vai trò quan trọng trong chu trình và lưu trữ carbon.

- Khuyến khích thay đổi thói quen ăn uống chú trọng vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

- Thúc đẩy kinh tế sinh thái bền vững và giảm đáng kể tình trạng tiêu dùng quá mức và lãng phí của người giàu.

- Lồng ghép giáo dục về biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy toàn cầu để nâng cao nhận thức, hiểu biết và hành động.

Theo scitechdaily.com