Sứ mệnh lịch sử của NASA bị hoãn tới tháng 10 vì sự cố khó lường
(Dân trí) - Các kỹ sư của NASA đã không thể khắc phục được sự cố dù họ đã có ít nhất 2 cơ hội phóng thử.
Theo công bố mới nhất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), buổi phóng tên lửa mặt trăng Artemis sẽ bị đẩy lùi hơn một tháng, sớm nhất là vào giữa tháng 10.
Quyết định này được đưa ra sau thất bại ở lần phóng thử thứ 2 của tên lửa, diễn ra hôm thứ Bảy (3/9) vì sự cố rò rỉ nhiên liệu, bất chấp sự tự tin của NASA trong lần phóng này.
Hiện, tên lửa 30 tầng sử dụng trong hệ thống phóng SLS đã được các kỹ sư NASA đưa trở lại công xưởng từ bệ phóng, và gấp rút tiến hành các công đoạn cần thiết nhằm khắc phục hoàn toàn sự cố xảy ra.
Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên hệ thống tên lửa gặp sự cố liên quan tới rò rỉ nhiên liệu.
Sự cố không thể khắc phục?
Theo Spacenews, có khoảng 400.000 người đã có mặt tại Bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, Mỹ để quan sát trực tiếp buổi phóng thử lần thứ 2 của sứ mệnh Artemis-1.
Những người này đều tin rằng NASA sẽ không mắc phải bất kỳ sai lầm nào sau khi đã "muối mặt" thông báo hủy buổi phóng thử trước đó. Thế nhưng, mọi thứ dường như nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan đứng sau sứ mệnh mặt trăng Apollo lịch sử năm 1969.
Khoảng 3 giờ trước khi dự kiến sẽ phóng tên lửa, một tiếng chuông báo động vang lên, cảnh báo các kỹ sư của NASA về một lỗ rò rỉ dẫn vào tầng lõi của Hệ thống tên lửa SLS.
Họ đã cố gắng 3 lần nhưng không thể bịt được lỗ hổng, trước khi sớm nhận ra rằng không thể có biện pháp khắc phục nào trong tầm tay. Buổi phóng bị hủy, và những người tới xem ra về trong sự tiếc nuối.
Ở lần phóng thử đầu tiên diễn ra vào ngày 28/9, Jim Free, Phó Giám đốc Phát triển Hệ thống Thăm dò NASA từng lên tiếng thừa nhận rằng sứ mệnh Artemis-1 tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thế rồi ngay sau đó, chỉ khoảng 1 giờ trước khi phóng, Derrol Nail, người phát ngôn của NASA cho biết trên trang blog rằng các kỹ sư của họ phát hiện thấy sự cố rò rỉ hydro lỏng ở động cơ số 3 của tên lửa đẩy.
Hồi đầu năm nay, NASA cũng đã gặp sự cố tương tự trong buổi phóng thử tên lửa SLS. Tiếp đó vào tháng 6, sự cố lần hai cũng đã xảy ra, khiến họ phải tạm hoãn buổi phóng.
Có thể bị hoãn lâu hơn dự kiến
Cần phải nói thêm rằng, Artemis-1 mới chỉ là bước đầu tiên của một chặng đường dài. Trong sứ mệnh này, NASA sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm không người lái với tàu vũ trụ Orion kéo dài 42 ngày xung quanh Mặt Trăng, rồi quay trở lại Trái Đất.
Những bài học từ lần phóng này sẽ được áp dụng cho sứ mệnh tiếp theo - Artemis-2, dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2024, với sự góp mặt của các phi hành gia trên tàu.
Tuy nhiên với việc những sự cố liên tiếp xảy ra, khiến buổi phóng không thể được thực hiện, chúng ta có thể lo ngại về một sứ mệnh bị kéo dài hơn dự kiến.
Tổng Giám đốc NASA Bill Nelson cũng từng lên tiếng thừa nhận rằng mặc dù Artemis-1 là một chuyến bay mang tính chất thử nghiệm, nhưng cơ quan này sẽ không phóng tên lửa cho đến khi thực sự thích hợp.
"Có vấn đề xảy ra ở khoang chứa nhiên liệu của động cơ. Điều này cho thấy đây là một cỗ máy rất phức tạp, một hệ thống rất phức tạp và mọi thứ phải hoạt động đúng. Bạn sẽ không thể phóng một cách bừa bãi trước khi nó sẵn sàng", Nelson nói.
Sự cẩn trọng của NASA là hoàn toàn đúng đắn, bởi đây được xem là bước đệm nhằm chứng minh tính an toàn của cả 2 phương tiện phóng trước khi chúng được sử dụng cho phi hành đoàn - những người bằng xương bằng thịt.
Thế nhưng chậm trễ cũng sẽ kéo theo sự tăng vọt về chi phí của chương trình Artemis. Kể từ khi khởi động vào năm 2017, Artemis đã tiêu tốn hơn 40 tỷ USD để phát triển và dự kiến lên tới 93 tỷ USD vào cuối năm 2025, theo một đơn vị kiểm toán nội bộ của NASA.
Không chỉ riêng vấn đề về kỹ thuật và chi phí, NASA cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ thời tiết. Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, mùa bão ở Đại Tây Dương năm nay có thể sẽ diễn biến cực kỳ phức tạp, sau khi vừa mới xuất hiện liên tiếp hai cơn bão là Danielle và Earl.
Như vậy, chuyến bay của Artemis-1 được thực hiện trong tháng 10 tới hoàn toàn có thể gặp trở ngại với bất kỳ lý do nào đã kể trên.
Sau khi Artemis-1 thành công, NASA sẽ tiếp tục sứ mệnh mới có tên gọi là Artemis-2, được khởi động dự kiến vào năm 2025.