Vụ phóng Artemis-1 bị hoãn vào ngày 29/8 do xảy ra sự cố rò rỉ nhiên liệu. NASA dự kiến sẽ tái khởi động chiến dịch này vào ngày 3/9 tới đây (Ảnh: NASA).
Mới đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artemis, mở đầu bằng sứ mệnh Artemis-1 đưa tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo của Mặt Trăng.
Dự án đầy tham vọng này dự kiến sẽ có nhiều giai đoạn, và đáng chú ý nhất là chuyến bay đưa con người quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2025. Nếu như thành công, chuyến bay sẽ đánh dấu lần đầu tiên nhân loại đưa phi hành gia nữ và người da màu lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Để đảm bảo cho chuyến bay được an toàn và thuận lợi, tàu vũ trụ Orion được sử dụng sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết.
Tàu Orion được đặt trên đỉnh Hệ thống Phóng Không gian (SLS) cao 98 mét. Đây là tên lửa vũ trụ mạnh nhất từng được chế tạo bởi NASA. Tàu được tạo thành từ 4 phần, bao gồm mô-đun phi hành đoàn, có khả năng chở theo 4 phi hành gia và tư trang cá nhân của họ.
Ngoài ra, tàu cũng có một mô-đun cứu hộ khẩn cấp, bao gồm động cơ đẩy và năng lượng điện tách biệt, có thể đưa Orion rời khỏi vùng nguy hiểm nếu xảy ra tình huống ngoài mong đợi trong quá trình phóng. Ngoài ra, tàu cũng có một mô-đun kết nối, gắn tàu Orion vào hệ thống SLS.
Về thiết kế, tàu Orion khá giống với Apollo, với dạng hình nón cụt, cao 3,3 mét, đường kính 5 mét. Tuy nhiên, tàu có thể tích 8,95 mét khối, lớn hơn gấp 1,5 lần so với tàu Apollo từng đưa Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins lên mặt trăng vào năm 1969. Sở dĩ có cấu trúc tương tự như tàu Apollo là bởi thiết kế như vậy giúp giữ cho tàu ổn định khi nó di chuyển với tốc độ siêu thanh trong bầu khí quyển.
Nhờ những cải tiến về thiết kế, tàu có thể chở theo 4 phi hành gia, thay vì chỉ 3 người. Không chỉ vậy, tàu cũng trang bị những chiếc ghế có thể gập lại khi không sử dụng nhằm tạo thêm không gian. Nó có thể cung cấp không gian sống trong các sứ mệnh không gian cho 4 phi hành gia trong tối đa 21 ngày mà không cần gắn vào bất kỳ một hệ thống nào khác.
Trên tàu có 3 màn hình hiển thị với tổng số 67 công tắc. Con số này ít hơn khá nhiều so với tiêu chuẩn của một tàu con thoi (gồm 10 màn hình và 1200 công tắc). Sự thiếu hụt này là bởi NASA đã sử dụng nhiều phần mềm tiên tiến, giúp các giai đoạn được thực thi tự động, thay vì cần có sự điều khiển của phi hành gia.
Khoang vệ sinh của tàu Orion cũng được trang bị Hệ thống Quản lý Chất thải Toàn cầu (UWMS) tân tiến, với thiết kế hiện đại, hỗ trợ cả nam và nữ. Đây là khoang mẫu vệ sinh tiêu chuẩn, từng được NASA trang bị cho Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS vào năm 2020.
Orion có các tấm che cửa sổ, có thể được sử dụng để chặn ánh sáng Mặt Trời. Ngoài ra, tàu cũng tích hợp một hệ thống các túi ngủ, cho phép phi hành gia thoải mái buộc mình vào một vị trí trong tàu vũ trụ để ngủ trong trạng thái không trọng lượng.
Lockheed Martin là nhà thầu chính của tàu vũ trụ Orion, với một dự án được khởi động vào năm 2004, và được định giá lên tới 8,15 tỷ USD vào thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên theo thời gian, dự án đã tiêu tốn ước tính hơn 18 tỷ USD. Trong đó, toàn bộ chương trình Artemis có chi phí dự tính là khoảng 93 tỷ USD.
Tàu Orion được thiết kế để đưa con người đến và đi từ Mặt Trăng, nhưng không phải là thiết bị hạ cánh. Thay vào đó, trách nhiệm này sẽ thuộc về Hệ thống Đổ bộ Con người (HLS) do SpaceX chế tạo, vốn cũng được tích hợp trên tàu Starship của hãng này.
Khi mô-đun của phi hành đoàn quay trở lại Trái Đất, tổng cộng 11 chiếc dù khác nhau được phóng ra để giảm tốc phương tiện xuống chỉ còn khoảng 27km/h. Đây là tốc độ cần thiết để họ đáp xuống vùng biển Thái Bình Dương một cách an toàn.