Sử dụng trang sức từ động vật hoang dã trái phép, đừng để thấy hậu quả mới biết từ chối
(Dân trí) - Hoạt động mua bán, sử dụng trang sức, chế phẩm từ động vật hoang dã trái phép để cầu may, chữa bệnh ngày càng tinh vi khiến các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã phải liên tục vào cuộc.
Theo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, từ năm 2006 đến 2019, có khoảng 9.500 con tê giác, từ 25.000 – 35.000 con voi và khoảng hơn 100.000 con tê tê bị giết. Hơn 36 tấn ngà voi, 37 tấn tê tê (bao gồm cá thể sống và vảy) bị bắt giữ từ năm 2015 đến năm 2019. Trong đó, con số xuất khẩu động vật hoang dã hàng năm tại Việt Nam lên đến 4.500 tấn (không bao gồm chim và côn trùng). Điều tra từ Tạp chí Môi trường (2015) cho thấy, Việt Nam chỉ còn khoảng 60 cá thể voi nhà và trên 100 cá thể voi hoang dã.
Niềm tin sai trái đe doạ hệ sinh thái tự nhiên
Dù được biết là một trong các quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, Việt Nam cũng là nơi mà các loài hoang dã đang bị đe dọa và đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do nhu cầu khai thác và tiêu thụ động vật hoang dã vượt tầm kiểm soát.
Cho tới ngày nay, số người tin vào tác dụng đặc biệt của các chế phẩm từ động vật hoang dã vẫn đáng kể, dẫn đến các tác động tiêu cực cho các loài động vật. Tại các khu vực Đông Á và Đông Nam Á, nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã phần lớn là để chế biến thực phẩm, điều trị thuốc, làm trang sức, đồ trang trí.
Những đối tượng có xu hướng tin rằng trang sức ngà voi sẽ mang lại may mắn, bữa ăn xa xỉ từ thịt tê tê giúp họ chữa bệnh, duy trì đẳng cấp cũng là nhóm đối tượng sử dụng chính; trong đó có nhiều cá nhân doanh nhân, quan chức... Những năng lực tâm linh mang tính “giả thuyết” này nhiều năm qua vẫn chưa từng được khoa học chứng minh, thực tế chỉ nhằm thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng hàng hiếm, để làm sang, khoe mẽ.
Nhu cầu của con người là ẩn hoạ cho chính con người
Nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã không chỉ gây suy giảm nghiêm trọng số lượng quần thể các giống loài hoang dã, làm đảo lộn của cả hệ sinh thái tự nhiên mà còn gây đe doạ ngược lại sự an toàn của chính loài người.
Những năm qua, thế giới chứng kiến nhiều hậu quả đến từ việc thiên nhiên bị tàn phá, thiên tai và dịch bệnh. Gần đây là sự lây lan khó kiểm soát của đại dịch Covid-19 khiến hàng trăm ngàn người tử vong trên toàn cầu. Đã có những nghiên cứu cho thấy các loài hoang dã như dơi, tê tê có khả năng và vật trung gian truyền virus Covid-19 từ động vật sang người. Theo Tổ chức y tế thế giới, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay, bao gồm Ebola, SARS và cả HIV đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
“Nhiều hệ luỵ đối với hệ sinh thái và cuộc sống của loài người sẽ có nguy cơ xảy đến nếu chúng ta vẫn chủ quan, không nhìn nhận nghiêm túc hành vi tước đoạt sự sống động vật hoang dã là một tội ác cần chấm dứt”, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chia sẻ.
Không chỉ nhóm người trực tiếp nhúng tay vào nạn săn bắn, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã mới phải thức tỉnh, cộng đồng những người biết nhưng không lên tiếng và hành động để ngăn chặn thảm kịch cũng không ngoại lệ. Trực tiếp hay gián tiếp cổ xuý đều chịu hậu quả như nhau. Nhân – quả đừng đợi tận mắt thấy mới tin, phải hành động trước khi quá muộn.
Ngưng gật đầu trước cái chết của động vật hoang dã
Nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền về việc cấm vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép các loài hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Tuy nhiên, nhận thấy sự cấp bách trong việc nhanh chóng chấm dứt vấn nạn tội ác này, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn triển khai chiến dịch với tên gọi “Ngưng tạo nghiệp”. Chiến dịch nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã" do USAID tài trợ.
“Mua 1 ngà voi, nhận 1 quả báo – Mua thịt tê tê, nhận 1 quả báo” là thông điệp nhấn mạnh với đối tượng sử dụng rằng, mỗi khi sử dụng sản phẩm từ voi, tê tê chính là khi họ sẽ nhận lại hậu quả cho chính mình. Cuối cùng, hướng đến kêu gọi họ chấm dứt thói quen, ham muốn không thực tế, điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình để tránh hậu quả.
Các hoạt động trong chiến dịch hướng tới việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của những đối tượng tiêu thụ trực tiếp; kêu gọi họ từ bỏ quan điểm sai lệch, thói quen và hành vi phạm pháp. nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và bảo vệ quần thể hoang dã tại Việt Nam.