SpaceX sẽ phá hủy Trạm Vũ trụ quốc tế

Phạm Hường

(Dân trí) - NASA cho biết đã chọn SpaceX chế tạo một con tàu đưa ISS đến "nơi an nghỉ cuối cùng" ở Thái Bình Dương sau khi Trạm này kết thúc sứ mệnh của mình.

SpaceX sẽ phá hủy Trạm Vũ trụ quốc tế - 1
Nhà du hành vũ trụ Sergey Ryazanskiy đang thực hiện công tác bảo dưỡng trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2013. (Ảnh: NASA).

Ngày 25/6, NASA công bố thông tin về việc SpaceX, công ty của tỷ phú công nghệ Elon Musk, đã được trao hợp đồng trị giá 843 triệu đô-la Mỹ để thiết kế và sản xuất con tàu vũ trụ US Deorbit Vehicle với nhiệm vụ đặc biệt.

SpaceX sẽ phá hủy Trạm Vũ trụ quốc tế - 2
Hai nhà du hành vũ trụ Jessica Watkins và Bob Hines đang trồng cây trên ISS vào năm 2022. (Ảnh: NASA).

Sau khi SpaceX hoàn thành việc sản xuất, con tàu sẽ được giao cho NASA để cơ quan này kiểm soát toàn bộ các hoạt động của nó.

ISS nặng 430.000 kg và là cấu trúc đơn lớn nhất từng được xây dựng trong không gian.

SpaceX sẽ phá hủy Trạm Vũ trụ quốc tế - 3

Bức ảnh của ISS do tàu vũ trụ Dragon Endeavour do SpaceX sản xuất chụp vào năm 2021. (Ảnh: NASA).

Dựa trên các đánh giá trước đây về các trạm vũ trụ như Mir và Skylab, NASA dự đoán ISS sẽ vỡ ra theo ba giai đoạn.

Đầu tiên, các mảnh pin mặt trời khổng lồ và bộ tản nhiệt sẽ tắt, sau đó các module riêng lẻ sẽ tách ra khỏi cấu trúc xương sống của trạm. Cuối cùng, giàn xương sống và các module sẽ tan rã.

SpaceX sẽ phá hủy Trạm Vũ trụ quốc tế - 4
Một phần các tấm pin mặt trời phía trên cực quang vào năm 2012, ảnh chụp từ trạm ISS. (Ảnh: NASA).

Phần lớn các bộ phận sẽ bốc hơi, ngoại trừ các mảnh lớn. Do đó, NASA lên kế hoạch nhắm đến Point Nemo trên Thái Bình Dương để cho các mảnh này rơi xuống, vì địa điểm này là một trong những nơi xa xôi nhất trên thế giới và được mệnh danh là nghĩa địa của các vệ tinh và tàu vũ trụ.

SpaceX sẽ phá hủy Trạm Vũ trụ quốc tế - 5
Hai nhà du hành vũ trụ Robert L. Curbeam Jr. và Christer Fuglesang đang thực hiện một hoạt động bên ngoài ISS. (Ảnh: NASA).

Bộ phận đầu tiên của ISS được phóng lên không gian vào năm 1998 và kể từ năm 2001 đến nay, nơi đây luôn có các phi hành đoàn sinh sống và làm việc.

Mỹ, Nhật, Canada và các nước thành viên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã cam kết vận hành phòng thí nghiệm vi trọng lực của ISS đến năm 2030, còn Nga chỉ cam kết hoạt động đến năm 2028.

Một số công ty đang tiến hành nghiên cứu chế tạo các thiết bị thương mại tiếp theo thay thế cho ISS, trong đó đáng chú ý là Axiom Space và Blue Origin của doanh nhân Jeff Bezos.

Theo www.sciencealert.com