1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Số lượng côn trùng toàn cầu giảm ở mức báo động

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết côn trùng có vai trò vô cùng quan trọng trong tự nhiên và với đời sống của con người, và họ rất lo lắng trước sự sụt giảm số lượng côn trùng ngày càng nghiêm trọng.

Đánh giá toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay về số lượng côn trùng cho thấy trong vòng 30 năm qua con số này đã giảm đến 25%. Các nhà khoa học đặc biệt “sốc” trước sự suy giảm ngày một trầm trọng ở châu Âu.

Số lượng côn trùng toàn cầu giảm ở mức báo động - 1
Một con ruồi đá cái ở công viên quốc gia Sông Băng, Montana, Mỹ. Loài côn trùng này đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu làm tan chảy các dòng sông băng, là môi trường sống của chúng.

Đánh giá này dựa trên phân tích 166 khảo sát dài hạn với dữ liệu thu thập ở gần 1.700 địa điểm trên khắp thế giới và kết quả cho thấy một số loài đang làm “khuynh đảo” xu hướng sụt giảm chung. Cụ thể là các loài côn trùng nước ngọt đang tăng khoảng 11% mỗi thập kỷ sau khi các sông, hồ ô nhiễm được làm sạch. Tuy nhiên, nhóm côn trùng này chỉ đại diện cho khoảng 10% các loài côn trùng và không thụ phấn cho cây trồng.

Các nhà nghiên cứu cho biết ở rất nhiều nơi, côn trùng chưa được tìm hiểu hết về tầm quan trọng của chúng, ví dụ như ở Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi gần như không có dữ liệu gì. Môi trường sống tự nhiên ở những nơi này đang bị tàn phá nghiêm trọng để lấy đất làm trang trại và đô thị hóa. Đây là nguyên nhân chính làm giảm số lượng côn trùng trên Trái Đất.

Cho đến nay côn trùng là những động vật đông nhất cả về số loài và số lượng, gấp khoảng 17 lần dân số thế giới. Chúng có vai trò sống còn đối với những hệ sinh thái mà con người sống dựa vào đó. Chúng thụ phấn cho cây, là nguồn thức ăn cho các loài động vật khác và tái chế rác thải của thiên nhiên.

Đánh giá lần trước dựa trên 73 nghiên cứu đã khiến các nhà khoa học phải cảnh báo về những thảm họa có thể xảy ra đe dọa sự sống còn của loài người nếu tình trạng mất côn trùng không được cứu vãn. Nhưng đến báo cáo mới đây thì tốc độ mất côn trùng còn tăng gấp đôi. Các chuyên gia khác không tham gia vào nghiên cứu này cũng ước tính trong 50 năm qua thế giới đã mất 50% số côn trùng tự nhiên.

Các phân tích gần đây dựa trên số liệu ở một số nơi cho thấy suy giảm nghiêm trọng số lượng côn trùng, ví dụ ở Đức mất 75% và ở Puerto Rico mất 998%. Nghiên cứu mới lần này tiến hành trên diện rộng hơn đã cho kết quả với tỷ lệ thấp hơn.

Tuy vậy, tiến sĩ Roel van Klink ở Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học kết hợp của Đức ở Leipzig, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng “chỉ cần suy giảm 24% như vậy cũng đã chắc chắn phải lo ngại rồi. Mọi người nên nhớ một điều là thức ăn của chúng ta thực sự phụ thuộc vào côn trùng”.

Nghiên cứu này cũng tìm hiểu sự thay đổi của tốc độ sụt giảm qua các thời kỳ. Tiến sĩ Van Klink nói rằng “hiện nay châu Âu đang ngày càng mất đi nhiều côn trùng hơn, điều này thật bất ngờ và khủng khiếp.” Ở Bắc Mỹ, tốc độ sụt giảm đang chậm lại, nhưng cũng chỉ chậm lại rất ít. 

Ở những khu vực khác, số liệu còn thưa thớt hơn. Nhưng các nhà khoa học cho rằng từ các kết quả nghiên cứu có được, có thể thấy việc mở rộng các thành phố vô cùng có hại cho các loài côn trùng bởi vì chúng mất đi môi trường sống. Điều này đang xảy ra ở Đông Á và châu Phi với tốc độ cực kỳ nhanh. Ở Nam Mỹ, thì đó là nạn phá rừng Amazon. Không còn gì phải hỏi nữa, chắc chắn là việc này có hại cho côn trùng và tất cả các loài động vật ở đó. 

Côn trùng biến mất là do môi trường sống của chúng bị hủy hoại, do con người sử dụng thuốc trừ sâu và do ô nhiễm ánh sáng. Ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu tác động đến côn trùng trên toàn thế giới ra sao thì chưa được phân tích rõ trong nghiên cứu này, nhưng thiệt hại cụ thể ở một số địa phương thì đã rõ.

Biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa làm hại một số loài trong khi lại có lợi cho một số loài khác ngay cả ở cùng một khu vực. Một nghiên cứu khác còn cho thấy nồng độ carbon dioxide tăng lên làm giảm chất dinh dưỡng trong cây trồng và giảm số lượng châu chấu trên đồng cỏ ở Kansas, Mỹ. Tiến sĩ Van Klink nhận định tình trạng này đã xảy ra ở Mỹ thì cũng có thể xảy ra trên toàn thế giới.

Giáo sư Dave Goulson của Trường đại học Sussex, Anh, không tham gia vào nghiên cứu mới này, nhưng ông cũng cho rằng hơn bao giờ hết, chúng ta cần hết sức chú ý đến các loài côn trùng. Mặc dù điều đáng mừng là một số côn trùng sống dưới nước đang tăng lên, cho dù tăng rất chậm và chúng không có tác dụng thụ phấn cho cây, nhưng hầu hết các loài côn trùng đều sống trên cạn và nghiên cứu này khẳng định một điều đã rõ ràng từ lâu: chúng đang suy giảm ngày càng nhanh trong những thập kỷ gần đây.

Người đứng đầu Quỹ bảo tồn thiên nhiên Buglife, ông Matt Shardlow nói rằng nhiều loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng và nghiên cứu này cho thấy số lượng côn trùng cũng đang suy giảm ở tốc độ không hề dừng lại. Cho dù những con số ước tính mà nghiên cứu này đưa ra còn thấp hơn ở một số báo cáo khác nhưng vẫn là rất đáng lo ngại. Suy giảm diện rộng các loại côn trùng có cánh là một thảm họa sinh thái đang ngày một tăng lên.

Trong một bài bình luận chuyên môn, tiến sĩ Maria Dornelas của Trường đại học Thánh Andrews và nghiên cứu sinh tiến sĩ Gergana Daskalova của Trường đại học Edinburg, Anh, nhận định nghiên cứu mới này là bản phân tích sâu rộng nhất cho đến nay về sự suy giảm số lượng côn trùng. 

Tiến sĩ Van Klink nói rằng “chắc chắn chúng ta có nhiều lý do để lo lắng, nhưng tôi không nghĩ rằng đã quá muộn. Ít nhất, việc các loài côn trùng nước ngọt đang có xu hướng tăng lên cũng cho chúng ta hy vọng rằng nếu chúng ta có các biện pháp đúng đắn ngay lúc này thì có thể đảo ngược được tình hình tiêu cực hiện nay.”

Phạm Hường 

Theo The Guardian