Siêu trăng hiếm gặp rực sáng trên bầu trời Hà Nội

Minh Khôi

(Dân trí) - Những ai bỏ lỡ dịp trăng xanh 2023 sẽ phải chờ tới 14 năm nữa để có thể chiêm ngưỡng lại hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Siêu trăng hiếm gặp rực sáng trên bầu trời Hà Nội - 1

Siêu trăng hiếm gặp trên bầu trời Hà Nội ghi nhận lúc 19:20 ngày 31/8/2023 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tối 31/8, người yêu thiên văn trên khắp cả nước đã có thể chiêm ngưỡng hiện tượng siêu trăng tháng 8 hiếm gặp, còn gọi là trăng xanh.

Theo Hội thiên văn Hà Nội (HAS), đây là trăng tròn lớn nhất và sáng nhất trong năm 2023, do trăng chạm đến điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó, cách chúng ta khoảng 363.711 km.

Tên gọi trăng xanh không liên quan tới màu sắc của Mặt Trăng, mà xuất phát từ cách gọi dành cho lần trăng tròn thứ hai trong tháng 8. Năm nay, lần đầu tiên diễn ra trăng tròn tháng 8 là ngày mùng 1. Tiếp đó vào các ngày 30 và 31/8, trăng tròn lại xuất hiện một lần nữa.

Ngắm siêu trăng trên bầu trời Hà Nội đêm trăng Rằm ngày 30/8 (Video: Tiến Tuấn).

So với trăng tròn đêm Rằm diễn ra hôm 30/8, trăng xanh tối 31/8 xuất hiện trên bầu trời to hơn và sáng hơn. Nguyên nhân là bởi Mặt Trăng đã di chuyển vào vị trí gần Trái Đất hơn 33 km so với ngày hôm trước.

Một số chuyên gia cho rằng, trăng xanh được quan sát thấy lớn hơn khoảng 5-7% và sáng hơn khoảng 15% so với trăng tròn thông thường. Dẫu vậy, người quan sát không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ bảo vệ mắt nào khi ngắm trăng.

Hiện tượng siêu trăng không phải quá hiếm gặp. Trung bình, siêu trăng có thể diễn ra 3-4 lần/năm. Tuy nhiên, trăng xanh lại ít phổ biến hơn, khi chỉ có 1 trong số 33 lần siêu trăng đáp ứng đủ điều kiện.

Dự kiến đến năm 2037, trăng xanh tiếp theo mới xuất hiện trở lại. Do là hiện tượng thiên văn hiếm gặp, siêu trăng 2023 đã được người yêu thiên văn tại nhiều quốc gia trên thế giới "săn đón". 

Siêu trăng hiếm gặp rực sáng trên bầu trời Hà Nội - 2

Siêu trăng 30/8 xuất hiện phía sau Tượng Nữ thần Tự do, New York, Mỹ (Ảnh: Fatih Aktas/Getty Images).

Siêu trăng hiếm gặp rực sáng trên bầu trời Hà Nội - 3

Trăng tròn mọc phía trên Đền Apollo, Hy Lạp (Ảnh: Valerie Gache/ AFP).

Siêu trăng hiếm gặp rực sáng trên bầu trời Hà Nội - 4

Siêu trăng phía sau Tòa nhà Royal Liver và bức tượng Liver Bird tại thành phố Liverpool, Vương quốc Anh (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images).

Siêu trăng, trăng xanh là gì, có nguồn gốc từ đâu?

Siêu trăng là cách gọi khi xảy ra hiện tượng trăng tròn hoặc trăng non trùng với thời điểm Mặt Trăng tiếp cận gần Trái Đất nhất. Nhưng tại sao lại có điều này?

Đó là bởi quỹ đạo của Mặt Trăng quay quanh Trái Đất không phải là hình tròn hoàn hảo, mà là một hình elipse. Nói cách khác, khoảng cách giữa Mặt Trăng với Trái Đất sẽ thay đổi theo chu kỳ khi nó di chuyển quanh hành tinh của chúng ta.

Chênh lệch về khoảng cách giữa điểm gần nhất và xa nhất gọi là "củng điểm quỹ đạo", lên tới 45.000 km, tương đương xấp xỉ 13 lần đường kính của Mặt Trăng.

Theo lý giải của các nhà khoa học, tên gọi siêu trăng xuất phát từ cách gọi của dân gian khi họ chứng kiến kích thước của Mặt Trăng lớn hơn và sáng hơn so với bình thường khi ở điểm gần Trái Đất nhất.

Tuy nhiên, một số tài liệu lại cho rằng thuật ngữ "siêu trăng" không bắt nguồn từ thiên văn học như đối với "trăng tròn cận điểm", mà tới từ chiêm tinh học - bộ môn được nhiều người xem là phi khoa học.

Siêu trăng hiếm gặp rực sáng trên bầu trời Hà Nội - 5

So sánh kích thước khi nhìn bằng mắt thường giữa siêu trăng và trăng tròn thông thường (Ảnh: NASA / JPL-Caltech).

Theo nhà chiêm tinh Richard Nolle, người khởi xướng cho tên gọi "siêu trăng" vào năm 1979, đây là khái niệm dùng để chỉ trăng non hay trăng tròn xảy ra khi Mặt Trăng ở đúng vị trí hay gần vị trí (sai lệch 10%) cực cận so với Trái Đất trên quỹ đạo của nó (còn gọi là vị trí perigee).

Nếu chỉ căn cứ theo định nghĩa này thì siêu trăng thật ra không có gì đặc biệt, khi một số năm thậm chí có thể có tới 4-5 lần siêu trăng. Tuy vậy, chúng ta nên chú ý rằng "siêu trăng" chỉ trở nên đặc biệt khi có sự trùng hợp giữa lúc trăng tròn nằm ngay ở vị trí cận điểm.

Để trăng tròn nằm ở ngay vị trí cực cận trên quỹ đạo quay quanh hành tinh chúng ta, theo tính toán phải mất 1 năm, 1 tháng và 18 ngày (hay 413 ngày). Nếu như siêu trăng này diễn ra vào đúng dịp trăng xanh, thì lại càng hiếm gặp hơn.

Trăng xanh xảy ra do lịch quốc tế (dương lịch) dựa trên chuyển động của Trái Đất quay quanh Mặt Trời, chứ không tính theo các tuần trăng (âm lịch), dẫn tới các chu kỳ không trùng khớp chính xác. Kết quả của sự giao thoa này là 2 lần trăng tròn đôi khi được gộp lại thành một tháng.

Tháng 2 là tháng duy nhất không bao giờ có trăng xanh. Đó là bởi tháng 2 chỉ có 28 hoặc 29 ngày (đối với năm nhuận), trong khi một pha hoàn chỉnh của chu kỳ Mặt Trăng kéo dài sau 29,53 ngày. Bởi vậy, sẽ không bao giờ có 2 lần trăng tròn diễn ra trong tháng 2.

Theo tính toán, những ai bỏ lỡ dịp trăng xanh 2023 sẽ phải chờ tới 14 năm nữa để có thể chiêm ngưỡng lại hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm