1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Siêu Trái đất như “địa ngục” với đại dương dung nham và gió siêu âm

Trang Phạm

(Dân trí) - Ngoại hành tinh K2-141b, một siêu Trái đất bằng đá khổng lồ có khoảng cách cực kỳ gần với Mặt trời lùn màu cam của nó.

Chỉ mất 6,7 giờ để quay quanh ngôi sao chủ đã biến ngoại hành tinh này thành nơi có môi trường như một “địa ngục” thực sự.

Siêu Trái đất như “địa ngục” với đại dương dung nham và gió siêu âm - 1

Các nhà nghiên cứu đã mô phỏng bầu khí quyển của ngoại hành tinh K2-141b có thể như thế nào và nó không giống bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trước đây trong Hệ Mặt trời.

“Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên đưa ra dự đoán về điều kiện thời tiết trên K2-141b có thể được phát hiện từ hàng trăm năm ánh sáng bằng các kính thiên văn thế hệ tiếp theo như Kính viễn vọng Không gian James Webb”, nhà khoa học Giang Nguyễn từ Đại học York cho biết.

K2-141b được phỏng đoán bao phủ bởi một đại dương magma có thể có độ sâu lên đến 100 km. Đáng chú ý, các mô phỏng được báo cáo trong Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia cho thấy rằng đại dương sôi sục này sẽ hoạt động tương tự như đại dương nước của chúng ta.

Mặt ban ngày của ngoại hành tinh K2-141b liên tục đối diện với ngôi sao chủ của nó với nhiệt độ lên đến khoảng 2.730 độ C. Đại dương nóng chảy sẽ trải qua một chu kỳ tương tự như chu kỳ nước trên Trái đất. Đá và khoáng chất sẽ tan chảy và sẽ bay hơi, tạo ra một bầu khí quyển mỏng.

Đặc biệt, K2-141b còn có gió siêu âm thổi vào khoảng 5.000 km mỗi giờ. Những cơn gió này sẽ mang khí nóng đến các rìa của phần đêm lạnh giá, nơi nhiệt độ vào khoảng -200 độ C.

“Tất cả các hành tinh đá, bao gồm cả Trái đất, khởi đầu là thế giới nóng chảy nhưng sau đó nhanh chóng nguội đi và đông đặc lại. Các hành tinh dung nham cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về giai đoạn tiến hóa của các hành tinh”, đồng tác giả, giáo sư Nicolas Cowan từ Đại học McGill giải thích.

Ngoại hành tinh K2-141b nằm cách Trái đất 202 năm ánh sáng và lớn hơn một chút so với hành tinh của chúng ta.