Sắp có sao nhân tạo trên bầu trời

Phạm Hường

(Dân trí) - NASA chuẩn bị phóng một ngôi sao nhân tạo lên quỹ đạo Trái Đất. Ngôi sao nhân tạo này chỉ nhỏ bằng một chiếc giỏ đựng bánh mì nhưng sẽ là công cụ đột phá giúp con người tìm hiểu vũ trụ.

Ngôi sao này sẽ di chuyển trên quỹ đạo vòng quanh Trái Đất như một vệ tinh. Nó cũng sẽ hoạt động như một ngôi sao tự nhiên để các nhà thiên văn học quan sát, từ đó xác định chính xác độ sáng của các vật thể trong không gian và hiểu rõ hơn một số bí ẩn trong vũ trụ của chúng ta, chẳng hạn như năng lượng tối.

Nhà nghiên cứu sau tiến sỹ Tyler Richey-Yowell, hiện công tác tại Đài thiên văn Lowell, đánh giá đây sẽ là một vật thể giúp ích cho tất cả các nhà thiên văn học.

Sắp có sao nhân tạo trên bầu trời - 1
Sao nhân tạo Landolt có kích thước bằng một chiếc giỏ đựng bánh mì, được thiết kế để bắn tia laser vào các đài quan sát trên Trái Đất, giúp các nhà thiên văn học nghiên cứu các ngôi sao tự nhiên (Ảnh: Eliad Peretz/NASA).

Một công cụ cách mạng trong thiên văn học

Ngôi sao nhân tạo có tên riêng là Landolt, theo tên của nhà thiên văn học quá cố Arlo Landolt, sẽ quay quanh Trái Đất ở khoảng cách 35.785 km. Ở khoảng cách này, tốc độ của nó sẽ khớp với vòng tự xoay của Trái Đất nên nó sẽ xuất hiện cố định trên bầu trời đêm và dễ dàng quan sát bằng kính thiên văn.

Bạn sẽ không thể thấy nó bằng mắt thường, nhưng qua kính thiên văn, nó trông như một ngôi sao. Theo kế hoạch, ngôi sao này sẽ bắt đầu chiếu sáng vào năm 2029.

Ưu điểm của ngôi sao nhân tạo này là các nhà thiên văn học biết được chính xác độ sáng của nó.

Sao Landolt sẽ bắn tia laser với một lượng hạt ánh sáng mà các nhà thiên văn học có thể sử dụng để hiệu chỉnh kính thiên văn cho phù hợp với công tác đo ánh sáng. Điều này sẽ giúp loại bỏ được nhiều phỏng đoán mà hiện nay các nhà thiên văn học chưa thể khẳng định được khi sử dụng các ngôi sao tự nhiên để điều chỉnh thiết bị.

Cho đến nay chúng ta vẫn chỉ đo ánh sáng phát ra từ các ngôi sao bằng các phép tính và phỏng đoán vì không thể gửi các con tàu đến thật gần để đo trực tiếp được. Thêm vào đó, khí quyển Trái Đất cũng hấp thụ rất nhiều ánh sáng vũ trụ. Vì thế việc hiệu chỉnh thiết bị khó có thể thực hiện chính xác.

Chính vì vậy nhiệm vụ của sao Landolt vô cùng quan trọng. Do biết được chính xác có bao nhiêu photon, bao nhiêu ánh sáng tỏa ra, các nhà khoa học có thể so sánh và đo chính xác hơn ánh sáng từ các vật thể khác. Các nhà khoa học cho rằng với thiết bị mới này, họ có thể đo ánh sáng từ các ngôi sao chính xác hơn hiện nay gấp 10 lần.

Tất cả các yếu tố thiên văn học mà chúng ta tìm hiểu đều dựa vào ánh sáng, vì thế chúng ta thực sự cần biết có bao nhiêu ánh sáng chiếu đến Trái Đất. Từ ánh sáng, chúng ta sẽ biết được nhiều thứ: nhiệt độ của một ngôi sao, khối lượng của nó, các ngoại hành tinh quay quanh nó và khả năng chúng có chứa đựng sự sống hay không.

Nhờ có Landolt, các nhà thiên văn học cũng có thể đo được ánh sáng từ các ngôi sao phát nổ, hay các vụ siêu tân tinh, để tính toán được tốc độ giãn nở của vũ trụ. Biết được tốc độ giãn nở của vũ trụ có thể là chìa khóa để trả lời cho một số bí ẩn lớn nhất của vũ trụ, chẳng hạn như chúng ta sẽ hiểu được lực vô hình đang xé toạc vũ trụ mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là năng lượng tối.

Nhà thiên văn học Richey-Yowell cho biết: "Bất cứ thứ gì, từ những hành tinh nhỏ bé cho đến toàn bộ vũ trụ, đều phụ thuộc vào hiểu biết của chúng ta về các ngôi sao và mức độ sáng, loại ánh sáng của các ngôi sao đó. Vì thế, tôi thực sự nghĩ rằng Landolt sẽ mang tính cách mạng đối với lĩnh vực thiên văn học."

Theo www.sciencealert.com