1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sao chổi hiếm có lóe sáng rực rỡ trên bầu trời trước khi biến mất mãi mãi

Minh Khôi

(Dân trí) - Sao chổi xuất hiện như một vệt sáng đầy màu sắc, phóng ngang qua bầu trời và đây cũng là lần xuất hiện cuối cùng của nó từ góc nhìn trên Trái Đất.

Sao chổi hiếm có lóe sáng rực rỡ trên bầu trời trước khi biến mất mãi mãi - 1

Sao chổi Leonard lóe sáng rực rỡ trên bầu trời trước khi biến mất mãi mãi (Ảnh: McCarthy)

Andrew McCarthy, một nhiếp ảnh gia thiên văn sống ở bang Arizona (Mỹ) đã ghi lại được khoảnh khắc độc đáo vào tối ngày 12/12/2021, khi một sao chổi vụt sáng bay ngang qua bầu trời đêm, và vừa mới đăng tải trên trang Instagram cá nhân. 

Đây được xem là một tấm ảnh hoàn hảo, cho thấy cấu trúc và màu sắc đáng kinh ngạc xung quanh hạt nhân của sao chổi. "Phần đuôi" của nó rực sáng, pha trộn giữa màu xanh lam, xanh lục và cam.

Để tạo ra bức ảnh cuối cùng, Andrew đã xếp chồng 25 bức ảnh của mình được chụp trong 12 phút để tăng cường các chi tiết bị mờ của đuôi sao chổi. Quá trình này cho phép nhiếp ảnh gia có được những hình ảnh sắc nét hơn về vật thể kỳ thú bay ngang qua bầu trời. 

Được biết, đây là Sao chổi Leonard, được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 3/1/2021 bởi nhà thiên văn học Gregory J. Leonard tại Đài quan sát hồng ngoại Mount Lemmon.

Sao chổi hiếm có lóe sáng rực rỡ trên bầu trời trước khi biến mất mãi mãi - 2

Cận cảnh màu sắc rực rỡ trên sao chổi (Ảnh: McCarthy).

Kể từ khi được phát hiện, sao chổi đã tiến nhanh tới Hệ Mặt trời và Trái đất, với tốc độ gần 258.000 km/h. Sao chổi Leonard tiếp cận gần nhất với Trái Đất vào ngày 12/12/2021, khi nó cách hành tinh của chúng ta 34,9 triệu km.

Sau đó, sao chổi đạt đến điểm gần Mặt Trời nhất vào ngày 3/1/2022, ở khoảng cách 92 triệu km tính từ ngôi sao của chúng ta. Hiện, sao chổi này đang di chuyển ra xa khỏi Hệ Mặt trời của chúng ta, và nhiều khả năng sẽ không bao giờ được nhìn thấy nữa.

Gianrico Filacchione, nhà khoa học hành tinh tại Viện Vật lý Thiên văn Không gian và Hành tinh ở Rome (Ý), cho biết sự phát xạ khí là nguyên nhân tạo ra các màu sắc rực rỡ, có thể quan sát thấy ở phần đuôi của sao chổi. Chúng bắt nguồn từ lớp vỏ đầy băng và bụi, sau đó được đốt nóng và bao quanh hạt nhân của sao chổi. 

Sao chổi hiếm có lóe sáng rực rỡ trên bầu trời trước khi biến mất mãi mãi - 3

Đường bay của Sao chổi Leonard theo quỹ đạo hình hypebol.

Theo đó, màu xanh lam của sao chổi có thể do trên bề mặt của nó chứa khá nhiều khí xyanua và cacbon diatomic. Khi sao chổi đến gần Mặt Trời, chúng cũng có thể phát ra các màu sáng khác vì phản xạ những bước sóng khác nhau của quang phổ ánh sáng khả kiến. 

Lúc này, màu sắc trên sao chổi sẽ giúp các nhà khoa học biết được một phần vật chất nằm trên chúng. Thí dụ như sao chổi giàu chất hữu cơ với carbon sẽ phát ra màu đỏ cam. Trong khi đó, sao chổi sẽ có màu xanh lục nếu tồn tại nhiều lớp băng lạnh giá trên bề mặt.

"Những khí này liên kết với đá trong hạt nhân sao chổi và chỉ được giải phóng khi sao chổi quay quanh quỹ đạo gần Mặt trời, nơi nhiệt độ đã khiến chúng phát sáng. Chúng giống như một bông tuyết", Gianrico cho biết.

Sao chổi - còn được gọi là 'quả cầu tuyết vũ trụ' hoặc 'quả cầu đất băng giá' - là sự kết tụ của khí đông lạnh, bụi và băng còn sót lại từ quá trình hình thành Hệ Mặt trời. Do vậy, các sao chổi thường bay quanh Mặt trời theo quỹ đạo có hình elip.

Cũng có những trường hợp sao chổi trải qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm ở rất xa Hệ Mặt trời trước khi quay trở lại 'điểm cận nhật' - cách tiếp cận gần nhất của chúng với Mặt trời. 

Nhưng Sao chổi Leonard có quỹ đạo hình hypebol, nghĩa là một khi đi qua Mặt Trời, nó sẽ bị đẩy ra khỏi Hệ Mặt trời và không bao giờ được nhìn thấy nữa từ Trái Đất.   

Theo www.dailymail.co.uk