1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Sao chổi đã từng đâm vào Trái Đất 13.000 năm trước

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy các bản chạm khắc cổ xưa cho thấy bằng chứng về một ngôi sao chổi đâm vào Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu đã dịch các biểu tượng cổ xưa nổi tiếng trong một ngôi đền ở Thổ Nhĩ Kỳ và họ đã phát hiện ra câu chuyện về một tác động tàn khốc sau khi một sao chổi đâm vào Trái Đất.

Sao chổi đã từng đâm vào Trái Đất 13.000 năm trước - 1
Phiến đá cổ xưa với những hình chạm khắc.

Kiểm tra chéo sự kiện với các mô phỏng trên máy tính của Hệ mặt trời vào khoảng thời gian đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các hình chạm khắc có thể mô tả tác động của sao chổi xảy ra vào khoảng 10.950 trước Công Nguyên - khoảng thời gian một kỷ băng hà mini bắt đầu thay đổi nền văn minh mãi mãi.

Kỷ băng hà mini này, được gọi là Younger Dryas, tồn tại khoảng 1.000 năm và nó được coi là thời kỳ quan trọng đối với nhân loại bởi vì đó là khoảng thời gian nông nghiệp và các nền văn minh thời kỳ đồ đá mới đầu tiên phát triển khả năng đáp ứng với khí hậu lạnh hơn. Thời kỳ này cũng có liên quan đến sự tuyệt chủng của voi ma mút.

Nhưng mặc dù Younger Dryas đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng không rõ chính xác điều gì đã kích hoạt thời kỳ này. Một cuộc tấn công của sao chổi là một trong những giả thuyết hàng đầu, nhưng các nhà khoa học không thể tìm thấy bằng chứng vật lý của sao chổi từ thời điểm đó.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Edinburgh ở Anh cho biết những hình chạm khắc này, được tìm thấy ở nơi được cho là ngôi đền lâu đời nhất thế giới, Gobekli Tepe ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy thêm bằng chứng cho thấy một sao chổi đã kích hoạt thời kỳ Younger Dryas.

"Tôi nghĩ rằng nghiên cứu này, cùng với phát hiện gần đây về sự bất thường bạch kim phổ biến trên khắp lục địa Bắc Mỹ hầu như đã cho thấy những manh mối. Công việc của chúng tôi phục vụ để củng cố bằng chứng vật lý đó”, nhà nghiên cứu Martin Sweatman cho biết.

Bản dịch của các biểu tượng cũng cho thấy rằng Gobekli Tepe không chỉ là một ngôi đền, như đã giả định từ lâu mà nó cũng có thể là một đài thiên văn cổ đại.

"Có vẻ như Gobekli Tepe, trong số những thứ khác, là đài quan sát để theo dõi bầu trời đêm", Sweatman nói.

Gobekli Tepe được cho đã được xây dựng vào khoảng 9.000 trước Công Nguyên, khoảng 6.000 năm trước Stonehenge - nhưng các biểu tượng trên cây cột có niên đại khoảng 2.000 năm trước đó.

Các biểu tượng đã khiến các nhà khoa học bối rối từ lâu, nhưng Sweatman và nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng chúng thực sự tương ứng với các chòm sao thiên văn, và cho thấy một loạt các mảnh sao chổi va vào Trái đất.

Hình ảnh một người đàn ông không đầu trên đá cũng được cho là tượng trưng cho thảm họa của con người và mất mạng lớn sau tác động.

Việc xác định niên đại của các hình chạm khắc này cũng khớp với lõi băng lấy từ Greenland, nơi xác định thời kỳ Younger Dryas bắt đầu vào khoảng 10.890 trước Công Nguyên.

Theo Sweatman, đây không phải là lần đầu tiên khảo cổ học cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá khứ của nền văn minh.

Khôi Nguyên (Theo Science Alert)