Yếu tố bất ngờ giúp kiến sống lâu hơn 3 lần so với bình thường
Sán dây giúp tuổi thọ kiến tăng gấp 3 và sự thật đáng sợ phía sau
(Dân trí) - Những con kiến sẽ được hưởng một cuộc sống "vương giả", khỏe mạnh, trước khi chúng phát hiện ra sự thật đáng sợ.
Sán dây (Anomotaenia brevis) là một loài ký sinh trùng phổ biến, từng được phát hiện bên trong cơ thể của nhiều loài động vật và cả côn trùng. Ở đa số trường hợp, chúng sẽ khiến vật chủ gặp vấn đề về sức khỏe, dẫn tới yếu mệt rồi tử vong.
Thế nhưng, trong một trường hợp cá biệt mới được phát hiện gần đây, loài ký sinh trùng này dường như đã giúp cho những con kiến bị mắc phải sống lâu hơn gấp khoảng 3 lần so với các đồng loại của mình.
Một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà côn trùng học Susanne Foitzik tại Đại học Johannes Gutenberg, Đức hiện đã tìm ra lời giải thích khả dĩ cho hoạt động kỳ lạ này.
Theo đó, những con kiến bị sán dây ký sinh được gọi là Temnothorax nylanderi, kỳ thực sẽ được hưởng một cuộc sống "vương giả", khi chúng hầu như không rời khỏi tổ, ít khi phải làm việc, mà lại luôn sống khỏe.
Đó là bởi sán dây ký sinh trong ruột của kiến đã bơm vào vật chủ một số hợp chất đặc biệt, bao gồm chất chống oxy hóa và các protein cần thiết khác. Những chất này giúp kiến luôn khỏe mạnh và không có cảm giác bị đói. Từ đó, chúng mất dần thói quen làm việc, mà chỉ tập trung vào lây nhiễm sang những con kiến khác.
Sự "tương trợ" từ sán dây dường như vô cùng tuyệt vời, cho đến khi chúng ta biết được mục đích thật sự của chúng. Hóa ra, kiến không phải là "ngôi nhà" cuối cùng của loài ký sinh này.
Theo đó, sán dây sẽ ký sinh ở kiến, giúp những con kiến trở nên bụ bẫm và ngoan ngoãn, nhưng thực ra chỉ để trở thành bữa ăn lý tưởng cho loài chim gõ kiến. Tại đây, sán dây mới thực sự có được trạng thái sinh sản lý tưởng.
Để tiến tới mục tiêu này, sán dây vẫn có quyền lợi nhất định trong việc giữ cho vật chủ tạm thời của nó có thể sống lâu hơn. Tuy nhiên, điều gì xảy ra với đàn kiến không phải là mối quan tâm của chúng.
Vào năm 2021, Foitzik và một số đồng nghiệp khác của cô ở Đức đã phát hiện ra rằng trong khi kiến bị nhiễm sán dây sống an nhàn, thì những con không bị nhiễm bệnh trong đàn phải trả giá cho sự lười biếng của đồng loại.
Những con kiến thợ này không chỉ đảm nhiệm công việc, mà còn chịu gánh nặng chăm sóc những đồng loại bị nhiễm bệnh của chúng. Kết quả là những con kiến không nhiễm ký sinh trùng đã chết sớm hơn rất nhiều.