1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Rừng Amazon đang cháy và 5 điều cần biết

(Dân trí) - Tại thời điểm này rừng Amazon đang có tới 2.500 điểm cháy. Khói, bụi bao trùm và lan xa hàng nghìn km, phát thải carbon độc hại khủng khiếp chưa thể tính hết.

Theo Cơ quan Vũ trụ Brazil, riêng trong năm 2019, các vụ cháy rừng ở nước này đã tăng 85% với hơn ½ số vụ là xảy ra ở khu vực Amazon. Nguyên nhân được cho là do sử dụng đất không phù hợp, phá rừng để lấy đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp và các mục đích khác đã làm suy kiệt nguồn nước, nung nóng đất và tăng cường hạn hán, dẫn đến các vụ cháy xảy ra nhiều hơn và mức độ nghiêm trọng hơn.

1. Nguyên nhân của các vụ cháy rừng Amazon hiện nay

Số lượng các vụ cháy rừng đang tăng vùn vụt là do phá rừng phi pháp để lấy đất chăn nuôi. Các vụ cháy khởi phát dễ dàng và lan rất nhanh vào mùa khô.

Kể từ những năm 1970 đến nay, nhu cầu khai hoang lấy đất làm nơi chăn nuôi là nguyên nhân chính của việc rừng ở Brazil bị phá.

Điều trớ trêu là nông dân không cần khai hoang để có thêm đất nuôi gia súc. Nghiên cứu cho thấy có vô số đồng cỏ hiện nay đã xuống cấp hoặc bỏ hoang có thể chuyển sang làm đất chăn nuôi.

Các tiến bộ về kĩ thuật cũng cho phép chuyển đổi các trại gia súc quy mô lớn và đa dạng thành những trang trại chuyên sâu và hiệu quả, để vừa mang lại lợi nhuận vừa tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Rừng Amazon đang cháy và 5 điều cần biết - 1

Khói bao phủ thành phố Porto Velho, Rondonia, Brazil. (nguồn: EPA/Roni Carvalho)

2. Vì sao tất cả chúng ta cần quan tâm?

Đa dạng sinh học bị phá hủy không chỉ ảnh hưởng riêng đến Brazil. Thảm thực vật Amazon bị mất đang trực tiếp làm giảm lượng mưa ở toàn Nam Mỹ và các khu vực khác trên thế giới.

Trái Đất đang mất đi một bể chứa carbon quan trọng trong khi cháy rừng đang trực tiếp phát thải carbon vào khí quyển. Nếu chúng ta không thể ngăn chặn phá rừng ở Amazon và các vụ cháy do phá rừng mà ra thì câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta đạt được Thỏa thuận Pa-ri để làm chậm lại sự biến đổi khí hậu hiện nay.

Chính phủ Brazil đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là ngăn chặn phá rừng phi pháp và đến năm 2030 khôi phục được 4,8 triệu héc-ta đất vùng Amazon đã bị xuống cấp. Nếu những mục tiêu này không được quan tâm đúng mức ngay từ bây giờ thì tình trạng biến đổi khí hậu sẽ chẳng cải thiện được bao nhiêu.

3. Vai trò của chính trị nằm ở đâu?

Kể từ năm 2014, tốc độ mất rừng Amazon của Brazil đã tăng lên 60%. Đây là hậu quả của khủng hoảng kinh tế và việc dỡ bỏ các quy định về bảo vệ môi trường của Brazil kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Jair Bolsonaro vào năm 2018.

Đường hướng chính trị của ông Bolsonaro bao gồm nhiều chương trình gây nhiều tranh cãi mà các nhà bình luận cho rằng không chỉ đe dọa cả các quyền con người mà cả môi trường. Một trong những đạo luật đầu tiên ông đưa ra sau khi làm Tổng thống là thông qua các cải cách trong chính phủ làm suy yếu hoạt động của Bộ Môi trường.

Các vận động hành lang về kinh tế đã đe dọa việc bảo tồn thiên nhiên và ảnh hưởng xấu đến quyền của các cộng đồng dân tộc.

Trong nhiều tháng qua, chính phủ Brazil đã tuyên bố tình trạng suy giảm và đóng cửa của nhiều cơ quan và ủy ban về môi trường, trong đó có cơ quan chuyên trách về ứng phó với hỏa hoạn và phá rừng.

Rừng Amazon đang cháy và 5 điều cần biết - 2

Cháy rừng nhiệt đới Amazon đã tăng 85% so với cùng kì năm ngoái. (nguồn: EPA/ROGERIO FLORENTINO)

4. Thế giới cần phản ứng như thế nào?

Mặc dù Brazil phải trực tiếp đối phó với tình trạng rừng Amazon bị hủy hoại, nhưng các nhà hoạt động trên toàn thế giới cũng có vai trò rất lớn.

Các hoạt động thảo luận quốc tế và gây quỹ toàn cầu, cùng với can thiệp và xử lí tại chỗ đã góp phần khôi phục cách sử dụng đất ở các vùng nhiệt đới. Điều này có nghĩa là bất cứ hành động của nước nào trong việc gỡ bỏ chính sách về khí hậu hay bảo tồn thiên nhiên ở Amazon đều có những tác động ngoại giao và kinh tế đáng kể.

Ví dụ: giao thương giữa Liên minh châu Âu và các khối thương mại Nam Mỹ mà Brazil là thành viên đang ngày càng được bổ sung thêm chương trình liên quan đến môi trường. Bất cứ rào cản thương mại nào đối với hàng hóa của Brazil chắc chắn sẽ thu hút chú ý: thương mại nông nghiệp chiếm hơn 20% GDP của nước này.

Việc Brazil tiếp tục không có khả năng ngăn chặn phá rừng cũng đang làm giảm các nguồn viện trợ quốc tế dành cho bảo tồn thiên nhiên. Na Uy và Đức cho đến nay là những nhà tài trợ lớn nhất của Quỹ Amazon cũng đã ngừng viện trợ tài chính.

Rất có thể tới đây những tổ chức quốc tế này sẽ gây ảnh hưởng đối với Brazil để duy trì những thỏa thuận đã kí kết, trong đó có những cam kết nhằm mục tiêu khôi phục rừng.

5. Có một giải pháp

Brazil đã xây dựng khung chính trị thử nghiệm để chấm dứt phá rừng phi pháp ở Amazon. Tình trạng phá rừng lên đến đỉnh điểm vào năm 2004, nhưng đã giảm rất nhiều sau khi có các quy định về môi trường và những thay đổi về nguồn cung ứng tài nguyên nhằm mục đích chấm dứt phá rừng phi pháp.

Luật môi trường cũng đã được thông qua để phát triển một chương trình quốc gia bảo vệ vùng Amazon, nhờ đó tốc độ xuống cấp của vùng này đã giảm được hơn 2/3 trong thời gian từ 2004 đến 2011.

Bên cạnh đó, các thỏa thuận riêng giữa các nước hay các nhóm các nước như là Thỏa thuận Đình chỉ cung ứng thịt bò và đậu tương Amazon đã được thực hiện, theo đó các công ty không mua đậu tương hoặc gia súc có liên quan đến phá rừng bất hợp pháp. Nhờ đó tốc độ suy kiệt vùng Amazon cũng được giảm xuống đáng kể.

Chúng ta có các công cụ tài chính, ngoại giao và chính trị hữu hiệu để ngăn chặn được sự suy thoái tổng thể của Amazon, nhờ đó mà các vụ cháy rừng cũng sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ngay lúc này chính là thời điểm để sử dụng các công cụ đó.

Phạm Hường 

Theo The Conversation