1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ronaldo đạt vận tốc bao nhiêu trong pha bứt tốc ghi bàn vào tuyển Đức?

Minh Khôi

(Dân trí) - Dù đã bước sang tuổi 36, Ronaldo vẫn tỏ ra cực kỳ sung sức và không có dấu hiệu giảm sút do vấn đề về tuổi tác. Anh vẫn thực hiện những pha bứt tốc tạo nên "thương hiệu" CR7.

Ronaldo đạt vận tốc bao nhiêu trong pha bứt tốc ghi bàn vào tuyển Đức? - 1

Tốc độ tối đa của Cristiano Ronaldo trong pha ghi bàn mở tỷ số trận đấu giữa ĐT Bồ Đào Nha và ĐT Đức ngày 19/6.

Phút 15 trận đấu giữa ĐT Bồ Đào Nha và ĐT Đức, Cristiano Ronaldo đã có pha bứt tốc thần kỳ từ phần sân nhà trước khi ghi bàn mở tỉ số.

Đáng chú ý ở pha bóng này, Ronaldo chính là người khởi xướng đợt phản công cho đội tuyển với cú bật nhảy phá bóng bằng đầu, để rồi chính anh là người chạy cực nhanh và kết thúc pha bóng một cách dễ dàng.

Theo thống kê của beIN Sports, Ronaldo đạt vận tốc tối đa lên tới 32 km/h tại nửa đầu trong quãng bứt tốc dài 97 mét. Sau đó, anh chủ động giảm tốc để chờ pha căng ngang của đồng đội. Nếu không lo sợ "luật việt vị" của bóng đá, rất có thể Ronaldo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ của mình trong quãng đường dài hơn.

Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Ronaldo nổi tiếng là cầu thủ có tốc độ và khả năng săn bàn hàng đầu của một tiền đạo hàng đầu thế giới. Tới nay, dù đã bước sang tuổi 36, nhưng Ronaldo vẫn tỏ ra cực kỳ sung sức và không có dấu hiệu xuống sức do vấn đề về tuổi tác.

Khi so sánh với Kylian Mbappe - cầu thủ trẻ người Pháp được mệnh danh là "thần gió" trong giới cầu thủ nhờ tốc độ đáng kinh ngạc của mình, Ronaldo cũng không tỏ ra thua kém là bao.

Được biết, khi kỷ lục của Mbappe được ghi nhận là 36 km/h trong trận đấu giữa PSG và Marseille.

Kỷ lục tốc độ nhanh nhất của con người là bao nhiêu?

Ronaldo đạt vận tốc bao nhiêu trong pha bứt tốc ghi bàn vào tuyển Đức? - 2

Năm 2009, vận động viên điền kinh người Jamaica Usain Bolt đã lập kỷ lục thế giới ở nội dung chạy nước rút 100 mét với thời gian 9,58 giây.

Đối với chúng ta, những người thường chỉ quen với việc ngồi hơn là chạy nước rút, thì màn trình diễn của Bolt quả thực đáng kinh ngạc, và đưa giới hạn của con người lên một tầm cao mới, đặc biệt là dưới góc độ khoa học.

Tốc độ là đơn vị đo lường mà một vật (hoặc người) di chuyển trong khoảng thời gian nhất định. Nó được biểu diễn bằng toán học dưới dạng tốc độ = d/t (trong đó d là quãng đường và t là thời gian). Dựa theo phép tính này, có thể thấy tốc độ của Bolt trong lần chạy kỷ lục thế giới của anh đạt 10,44 mét/giây (tương đương 37,58 km/h).

Con số này được xem là nhanh hơn tốc độ giao thông trung bình ước tính cho các khu vực tại thành phố Boston, New York và San Francisco của Mỹ.

Đáng kinh ngạc hơn nữa là thực tế Usain Bolt bắt đầu từ việc đứng yên, sau đó mới tăng tốc, có nghĩa là tốc độ tối đa của anh để chiến thắng sức ì thực sự còn cao hơn.

Ronaldo đạt vận tốc bao nhiêu trong pha bứt tốc ghi bàn vào tuyển Đức? - 3

Usain Bolt được công nhận là người chạy nhanh nhất thế giới.

Vào năm 2011, các nhà khoa học ở Bỉ đã sử dụng tia laser để đo thành tích của Bolt trong các chặng khác nhau của cuộc đua 100 mét được tổ chức vào tháng 9 năm đó. Họ phát hiện ra rằng ở cự ly 67,13 mét, Bolt đạt tốc độ tối đa 43,99 km/h.

Một điều thú vị là mặc dù Bolt đã hoàn thành chặng đua 100 mét với thời gian 9,76 giây, nhưng các nghiên cứu sau đó chỉ ra rằng đáng lẽ anh đã không thể làm điều ấy, dựa trên cấu trúc cơ thể sẵn có.

Từ góc độ sinh học, những người chạy nước rút nhanh nhất thường có chiều cao cơ thể tương đối thấp, và các múi cơ ở chân có khả năng co giật nhanh để tăng tốc nhanh chóng. Nói cách khác, lý tưởng nhất ở vận động viên chạy nước rút ưu tú đó là một người nhỏ gọn, không cao, và gầy.

Với chiều cao 1m95 và trọng lượng cơ thể trung bình 94kg, Bolt gặp nhiều thử thách để chiến thắng lực cản của không khí và sức ì của cơ thể khi bắt đầu chặng đua. Thế rồi tới nay, anh vẫn được công nhận là người đàn ông nhanh nhất thế giới.