1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Rắn nghe tiếng động như thế nào?

Minh Khôi

(Dân trí) - Không có đôi tai như đa số loài động vật khác, nhưng rắn nhận biết môi trường xung quanh theo một cách cực kỳ nhạy bén.

Rắn nghe tiếng động như thế nào? - 1

Ảnh minh họa: Getty

Trái với hình ảnh một con rắn hung dữ, cuộn mình rồi lao tới cắn mục tiêu, các nhà khoa học cho rằng chúng thật ra khá nhút nhát.

"Rắn là sinh vật rất dễ bị tổn thương, nhút nhát, thường ẩn nấp và chúng ta vẫn còn rất nhiều điều cần tìm hiểu về chúng", nhà nghiên cứu độc tố học Christina Zdenek từ Đại học Queensland (Úc) cho biết.

Một đặc điểm đó là rắn không có tai ngoài. Do đó, mọi người thường nghĩ rằng chúng bị điếc và chỉ có thể cảm nhận được những rung động xuyên qua mặt đất và cơ thể.

Tuy nhiên trên thực tế, những nghiên cứu từ lâu đã cho biết rắn không điếc, dù thính giác của chúng tương đối yếu so với các giác quan khác như vị giác và thị giác. Một thử nghiệm mới đây của các nhà khoa học tới từ Đại học Queensland một lần nữa chứng minh luận điểm này.

Họ sử dụng 19 loại rắn khác nhau, bao gồm cả những loại rắn sống ở dưới đất, trên cây và cả dưới nước, tiếp cận âm thanh trong khoảng từ 0 đến 450 Hertz. Kết quả là chúng phản ứng với âm thanh trong không khí theo những cách khác nhau, nhưng những con trong cùng một chi thì có phản ứng gần như tương đồng.

Rắn nghe tiếng động như thế nào? - 2

Phản ứng của đa số các loài rắn trước âm thanh cho thấy chúng khá thận trọng, nhút nhát và dễ tổn thương (Ảnh: Đại học Queensland).

Có thể khẳng định rằng rắn hoàn toàn có thể nghe được âm thanh và rung động. Trên thực tế, thính giác được xem là đóng một vai trò khá quan trọng đối với sự sống của chúng khi cảnh báo những kẻ săn mồi đang đến gần.

"Chúng tôi đã tạo ra âm thanh rung động trên mặt đất, và cả những âm thanh chỉ phát ra trong không khí", Zdenek giải thích. "Rắn đều có thể "nghe" thấy các âm thanh này.

Cách thức loài rắn "nghe" được âm thanh cũng được làm rõ. Đó là chúng nghe bằng xúc giác qua vảy bụng đối với những rung động trên mặt đất, và tai trong đối với những rung động trong không khí.

Theo thí nghiệm, loài trăn cái ăn đêm có xu hướng di chuyển về phía âm thanh, trong khi rắn taipan, rắn nâu và đặc biệt là rắn hổ mang tử thần đều có xu hướng di chuyển ra xa khỏi nguồn phát âm thanh.

Lý giải cho điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng loài trăn có kích thước lớn hơn, nên cũng ít số lượng kẻ thù hơn trong tự nhiên. Điều đó khiến chúng có xu hướng kém thận trọng hơn những con rắn nhỏ.