Rắn hổ chúa dài 3m theo dòng nước lụt trôi ra giữa đường đông người

T.Thủy

(Dân trí) - Mưa lớn liên tục đã làm ngập lụt nhiều tuyến đường ở thành phố Phuket (Thái Lan), cuốn theo một "vị khách không mời"…

Nhiều người đi trên một tuyến đường ở thành phố Phuket (Thái Lan) đã có phen kinh hãi khi phát hiện một con rắn hổ chúa cỡ lớn xuất hiện trên đường ngập nước. Nhiều người đã không thể nhận ra con vật cho đến khi họ đến gần để quan sát.

Các chuyên gia bắt rắn đã được người dân gọi đến hiện trường để giúp xử lý con vật. Đoạn video được một nhân chứng ghi lại cho thấy các chuyên gia phải khá vất vả mới có thể khuất phục được con rắn cỡ lớn.

Rắn hổ chúa cỡ "khủng" theo dòng nước lụt trôi ra giữa đường đông người (Video: Twitter).

Con rắn bị bắt giữ trước khi kịp gây hại cho bất kỳ ai. Con rắn được xác định là một cá thể rắn hổ chúa dài 3m. Các chuyên gia động vật hoang dã dự đoán con rắn đã bị dòng nước lụt cuốn trôi từ một khu vực khác ra đường nên khá yếu khi bị bắt giữ.

Con vật sẽ được đưa đến trung tâm bảo tồn động vật hoang dã để chăm sóc, kiểm tra xem có vết thương nào hay không trước khi được thả về môi trường sống tự nhiên, tránh xa khu vực con người sinh sống.

Cơ quan chức năng tại Phuket đã khuyến cáo người dân và khách du lịch cần phải nâng cao cảnh giác khi đi qua những khu vực ngập nước bởi vì có thể bị tấn công bởi những con rắn độc.

Hiện Thái Lan đang bước vào mùa mưa nên số lượng trăn, rắn tại quốc gia này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt tại khu dân cư, khi các loài rắn tìm kiếm nơi khô ráo và ấm áp để lẩn trốn. Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 11, lực lượng cứu hộ tại Thái Lan trung bình cứ 15 phút lại nhận được một cuộc gọi từ người dân, nhờ hỗ trợ bắt trăn, rắn.

Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành hoặc thậm chí một con voi. Nọc của rắn hổ chúa là nọc độc thần kinh, ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim.

Thức ăn của hổ chúa là các loài gặm nhấm, động vật có vú nhỏ hay các loài rắn khác. Vai trò của hổ chúa là kiểm soát số lượng rắn trong khu vực mà nó sinh sống. Trong trường hợp các cá thể rắn khác đã bị suy giảm, rắn hổ chúa sẽ ăn thịt chính cả đồng loại của mình, như một cách để kiềm chế số lượng của loài rắn này.

Rắn hổ chúa thường đuổi theo những loài rắn săn chuột khác, điều này có thể dẫn đến việc rắn hổ chúa xuất hiện ở những khu vực có người sinh sống. Hổ chúa được đánh giá là loài rắn khá nhút nhát, thường tìm cách lẩn trốn khi đối đầu với con người và chỉ tấn công trong trường hợp bị đe dọa hoặc bị kích thích.

Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên hiện xếp rắn hổ chúa vào danh sách những loài động vật đang bị đe dọa và sắp nguy cấp.

Theo YN/NDTV