1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Radar ghi lại vật thể kỳ lạ bay sượt qua Trái Đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Cảnh quay về một vật thể kỳ lạ bay ngang qua Trái Đất đã được radar ghi lại.

Radar ghi lại vật thể kỳ lạ bay sượt qua Trái Đất - 1

Ngoại hình kỳ lạ của tiểu hành tinh được radar ghi lại (Ảnh: NASA).

Theo thông tin từ NASA, tiểu hành tinh có tên 2024 ON đã bay lướt qua Trái Đất vào ngày 17/9 với vận tốc 31.933 km/giờ, gấp khoảng 26 lần tốc độ âm thanh.

Tảng đá vũ trụ này có kích thước rất lớn, dài xấp xỉ 350 mét, tương đương với một tòa nhà chọc trời. Quỹ đạo bay của nó được xem là có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất.

"Tiểu hành tinh 2024 ON được phân loại là có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất, nhưng là trong tương lai xa", báo cáo từ Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA (JPL), cho biết. "Rất may là ở lần tiếp cận này, nó chỉ bay sượt qua Trái Đất ở khoảng cách khá an toàn".

Theo thông tin từ NASA, khoảng cách gần nhất giữa tiểu hành tinh và Trái Đất đo được là 1 triệu km, tức gấp 2,5 lần khoảng cách trung bình giữa Mặt Trăng và Trái Đất.

Tuy nhiên, điều bất ngờ về tiểu hành tinh chỉ được hé lộ sau khi NASA nhận được hình ảnh trực quan đầu tiên về nó, do radar vệ tinh ghi lại.

Theo đó, tiểu hành tinh dường như được hình thành bởi 2 tảng đá nhỏ hơn được gắn với nhau, tạo cho nó ngoại hình tựa như hạt lạc, hay người tuyết.

Radar ghi lại vật thể kỳ lạ bay sượt qua Trái Đất - 2

Radar ghi lại hình ảnh của tiểu hành tinh đôi vừa bay sượt qua Trái Đất (Ảnh: NASA).

Một số giả thuyết cho rằng 2 tảng đá trong hệ tiểu hành tinh này bị trôi đến gần nhau cách đây hàng triệu năm. Chúng bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn, rồi sau đó gắn với nhau, tạo thành một vật thể thống nhất.

Các nhà khoa học gọi tiểu hành tinh dạng này là "hệ sao đôi tiếp xúc", và ước tính chỉ có 14% tiểu hành tinh nằm ở khu vực gần Trái Đất thuộc loại này.

Không giống với đa số hệ sao đôi tiếp xúc khác thường quay xung quanh một tiểu hành tinh thứ ba, 2024 ON có vẻ như là một vật thể trôi dạt tự do, và quỹ đạo bay của nó được coi là "có khả năng gây nguy hiểm", do tiến vào phạm vi 7,5 triệu km quỹ đạo Trái Đất xung quanh Mặt Trời.

Kể từ đầu năm 2024, các nhà thiên văn đã lập danh mục hơn 60 tiểu hành tinh có quỹ đạo bay giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Cùng với đó, hàng chục nghìn tảng đá vũ trụ khác cũng đang dần được phát hiện trong vành đai tiểu hành tinh chính giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa phát hiện thấy tiểu hành tinh nào có nguy cơ đe dọa trực tiếp tới Trái Đất, cũng như hoạt động khám phá không gian, bao gồm cả vật thể mang tên 2024 PT5 sẽ trở thành "mặt trăng thứ 2" của chúng ta trong nhiều tháng.

Theo www.space.com