Quần đảo vết đen mặt trời, gấp 15 lần Trái Đất có thể tấn công chúng ta

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Việc quan sát một quần đảo lớn có các vết đen mặt trời làm dấy lên mối lo ngại. Nó có khả năng bắn ra các tia mặt trời mạnh mẽ, gây hậu quả trên Trái Đất.

Quần đảo vết đen mặt trời, gấp 15 lần Trái Đất có thể tấn công chúng ta - 1

Vùng vết đen mặt trời bao phủ một phần đáng kể bề mặt ngôi sao (Ảnh: NASA).

Trong bối cảnh hoạt động của Mặt Trời ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường công nghệ và tự nhiên của chúng ta, việc quan sát gần đây về một quần đảo rộng lớn các vết đen Mặt Trời đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và công chúng.

Nó có tên AR3490, lớn hơn Trái Đất 15 lần và trải dài 200.000km.

Đây là một trong những khu vực lớn nhất được các nhà khoa học quan sát hơn một thập kỷ, nó minh chứng hoạt động mạnh mẽ của Mặt Trời. AR3490 nằm trong khu vực Mặt Trời đang hướng về Trái Đất, vì thế nó làm tăng nguy cơ tác động trực tiếp. 

Do đó, quần đảo những vết đen đặt ra câu hỏi về những hậu quả có thể có của nó đối với hành tinh chúng ta, đặc biệt là về nhiễu loạn điện từ và các hiện tượng khí quyển.

Hiện tượng không ngừng phát triển

Quần đảo vết đen mặt trời AR3490 bao gồm một số nhóm riêng biệt. Vào ngày 18/11, nhóm vết đen AR3490 xuất hiện ở phía Mặt Trời có thể nhìn thấy (thời điểm hiện tại) từ Trái Đất, gần cực đông bắc của ngôi sao. 

Ngay sau đó, một loạt điểm khác là AR3491 xuất hiện, bám sát nhóm đầu tiên. Các nhà vật lý thiên văn đã dự đoán sự xuất hiện của chúng bằng cách phát hiện các chấn động nhật chấn, hay các gợn sóng trên bề mặt mặt trời, phát ra từ khu vực này. 

Kích thước từ điểm vết đen này lớn đến mức nó ảnh hưởng đến động lực dao động của toàn bộ Mặt Trời. 

Cho đến nay, quần đảo này là nơi xảy ra một số cơn bão mặt trời, được phân loại thành loại M và C. Bão cấp M ở mức độ vừa phải nhưng vẫn có thể gây ra sự gián đoạn nhỏ cho hệ thống thông tin liên lạc trên mặt đất và lưới điện Trái Đất. 

Mặt khác, các đợt bùng phát loại C yếu hơn, nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp tần suất và tiềm năng tích lũy của chúng, đặc biệt khi chúng xảy ra với số lượng lớn hoặc hướng về phía Trái Đất.

Những hậu quả sắp xảy ra với Trái Đất

Bão mặt trời, vụ nổ năng lượng cao trên Mặt Trời, có thể đẩy các hạt và bức xạ vào không gian. Khi chúng đủ mạnh, có thể tương tác với từ trường Trái Đất, gây ra hiện tượng gọi là bão địa từ. 

Những cơn bão này có khả năng làm gián đoạn các hệ thống liên lạc, bao gồm tín hiệu GPS, liên lạc vô tuyến và truyền dẫn vệ tinh.

Ngoài ra, chúng có thể tạo ra dòng điện trong mạng lưới phân phối điện, đe dọa gây quá tải và làm hỏng cơ sở hạ tầng điện.

Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng và kéo dài, gây hậu quả nặng nề cho các khu vực đô thị vốn phụ thuộc nhiều vào điện cho các dịch vụ thiết yếu.

Mặt khác, sự phun trào khối lượng vành (CME), một loại hiện tượng mặt trời khác, là sự phóng thích khối lượng lớn plasma và từ trường khỏi quầng mặt trời. Khi những CME này đến Trái Đất, chúng cũng có thể gây ra bão địa từ. 

Sự tương tác của các hạt này với bầu khí quyển Trái Đất là nguồn gốc của cực quang, nó giống như những màn trình diễn ánh sáng hấp dẫn, chúng ta có thể quan sát được ở các vùng cực.

Tuy nhiên, hiện tượng đẹp mắt này ẩn chứa những rủi ro đáng kể. CME có thể gây ra sự gián đoạn liên lạc vô tuyến và làm hỏng các vệ tinh quay quanh, đặc biệt là các vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, rất quan trọng cho việc dự báo thời tiết, liên lạc và điều hướng.

Giám sát, dự đoán và khả năng phục hồi

Việc theo dõi những vụ phun trào này là rất quan trọng. Các nhà khoa học sử dụng nhiều công cụ, bao gồm các vệ tinh như Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA, để theo dõi các vết đen mặt trời và dự đoán các đợt bùng phát. 

Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến sự tiến hóa của chúng, bởi vì những thay đổi trong cấu trúc vết đen có thể báo hiệu những vụ phun trào mạnh mẽ hơn sắp xảy ra.

Các vụ phun trào cấp X, dữ dội nhất, có thể gây ra các cơn bão địa từ lớn. Ngay cả một sự thay đổi nhỏ về cường độ hoặc hướng của hướng bùng phát cũng có thể gây ra hậu quả đáng kể. 

Bằng cách dự đoán trước những sự kiện này, các nhà khoa học hy vọng có thể đưa ra cảnh báo đầy đủ để có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ, giảm thiểu tác động tiềm ẩn đối với cơ sở hạ tầng quan trọng và cuộc sống hàng ngày.