(Dân trí) - Nhiều quốc gia đã lên án việc sử dụng phương pháp nhân bản động vật để cung cấp thực phẩm cho con người, song với mục đích để bảo tồn động vật quý hiếm nó vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Nhiều quốc gia đã lên án việc sử dụng phương pháp nhân bản động vật để cung cấp thực phẩm cho con người, song với mục đích để bảo tồn động vật quý hiếm nó vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Trong vài thập kỷ gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều công trình nghiên cứu thành công về nhân bản vô tính các loài động vật (bao gồm cả linh trưởng).
Điều này giúp các nhà khoa học có thể hiểu được quá trình hình thành một loài vật từ một tế bào đơn lẻ hay phát hiện ra những gen bệnh để biến đổi giúp chúng có thể khỏe mạnh và có thể chống lại nhiều loài bệnh.
Lợi ích của việc này là không hề nhỏ, song một vấn đề vấp phải sự phản ứng của xã hội đó là vấn đề đạo đức và luân lý.
Mới đây, Công ty Công nghệ Sinh học Sinogene, Bắc Kinh, Trung Quốc đã công bố sự ra đời đầu tiên của một con sói Bắc Cực bằng phương pháp nhân bản. Đây là một con sói cái có tên là Maya, được sinh ra vào ngày 10/6 trong phòng thí nghiệm.
Công ty Sinogene thường nhân bản vật nuôi đã chết cho các khách hàng tư nhân. Song với mục đích bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng, Sinogene đã thành công với loài sói Bắc Cực bằng phương pháp nhân bản sau hai năm nỗ lực nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu ban đầu đã tạo ra 137 phôi chó sói Bắc Cực bằng cách kết hợp các tế bào da của Maya nguyên thủy với các tế bào trứng chưa trưởng thành (phương pháp chuyển nhân tế bào soma).
Trong số đó, 85 phôi đã được cấy ghép thành công vào giống chó thay thế beagle do không có đủ sói cái được nuôi nhốt trong phòng thí nghiệm, để tạo ra chó sói Bắc Cực nhân bản.
Sau khi được các nhà khoa học theo dõi sức khỏe, chó sói Maya sẽ được chuyển đến công viên động vật hoang dã Harbin Polarland, Đông Bắc Trung Quốc để sinh sống cùng với đồng loại của nó.
Tuy nhiên, theo một Báo cáo từ Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc và thông tin từ nhiều phương tiện truyền thông khác, sói Bắc Cực là một phân loài của sói xám (Canis Lupus) không phải là loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Chúng được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế xếp vào danh sách ít quan tâm nhất, dù biến đổi khí hậu có khả năng làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm của chúng trong tự nhiên vài thập kỷ tới.
Trong vài năm trở lại đây, có nhiều công trình nhân bản động vật thành công như vào năm 2020, các nhà khoa học tại công ty Revive & Restore có trụ sở tại Mỹ đã nhân bản thành công một loài chồn chân đen, một con ngựa Przewalski - đây đều là những loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ben Novak, nhà khoa học hàng đầu tại công ty này cho biết: "Nhân bản động vật với mục đích bảo tồn, trong tương lai nó có thể là một cứu cánh cho các loài trở nên hiếm hoặc nguy cơ tuyệt chủng".
"Nếu các cá thể vô tính có thể sinh sản với các cá thể không nhân bản khác, điều này sẽ mang lại cho các loài bị đe dọa cơ hội chiến đấu để thích nghi với các áp lực chọn lọc khiến chúng tiến tới sự tuyệt chủng", ông giải thích thêm.
Bên cạnh những lợi ích từ việc này, cũng có một vài hạn chế chính là không phải tất cả các loài động vật đều có thể nhân bản thành công, nhân bản vô tính có tỷ lệ thất bại lớn hơn nhiều so với phương pháp thụ tinh nhân tạo và trong ống nghiệm.
Từ thời điểm con cừu Dolly được sinh ra thành công nhờ phương pháp nhân bản (ngày 5/7/1996), sau vài thập kỷ công nghệ nhân bản đã thay đổi thế giới, đã có thời kỳ nó được dùng để cung cấp thực phẩm thịt, nhân bản thú cưng hay là tiền đề để các nhà khoa học nghiên cứu "hồi sinh" loài voi ma mút đã tuyệt chủng cách đây hơn 4.000 năm.
Những mục đích này đều gặp nhiều ý kiến trái chiều khác nhau từ xã hội.
Vào tháng 11/2017 các nhà khoa học khoa học Hàn Quốc đã công bố sự ra đời của loài Chó săn Afghanistan bằng phương pháp nhân bản, cho đến nay có khoảng 25 loài động vật có vú được sinh ra theo cách này.
Đầu năm 2018, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã thông báo vệ sự ra đời của những loài linh trưởng nhân bản đầu tiên.
Tuy nhiên, trong số tất cả các công trình nghiên cứu được công bố, phần lớn các loài động vật này chủ yếu nhằm phát triển cho mục đích thực phẩm. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt hay sữa từ con người.
Tại nhiều quốc gia như Argentina, Brazil và Mỹ, một số công ty đã nghiên cứu sản xuất thịt hoặc sữa từ những con bò chuyển gen, khoảng gần 500 con gia súc (bao gồm cả lợn) sẽ được sản xuất hàng năm, cung cấp cho thị trường Mỹ.
Một câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra đó là vấn đề đạo đức trong việc nhân bản động vật.
Hầu hết các loài được sinh ra từ phương pháp này đều chết yểu, có ý kiến cho rằng nhân bản chỉ một công nghệ đánh lạc hướng chúng ta, đặc biệt nhân bản các loài linh trưởng (bao gồm cả con người) thực sự là một điều khủng khiếp về tính đạo đức đối với không ít các nhà khoa học.
Vào đầu năm nay, một người đàn ông mắc bệnh tim giai đoạn cuối đã được các bác sĩ tại Đại học Y Khoa Maryland, Mỹ cấy ghép một trái tim lợn, nó đã được áp dụng công nghệ nhân bản để biến đổi 10 gen của quả tim này mang gen con người - song bệnh nhân này chỉ sống được hơn hai tháng.
Dù không thành công đến cuối cùng, nhưng có thể đây là tín hiệu cho thấy một giải pháp tiềm năng để khắc phục tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép người trên thế giới.
Eckhard Wolf, Giám đốc Trung tâm Mô hình Y tế Sáng tạo ở Munich, Đức cho biết đang cố gắng nhân bản và lai tạo một quần thể lợn giống nhau về mặt di truyền phục vụ mục đích cấy ghép nội tạng trên người.
Ông cho biết: "Việc sử dụng lợn được chấp nhận về mặt đạo đức hơn so với các loài linh trưởng".
Ý kiến này nhận được sự phê bình từ các nhà hoạt động vì quyền động vật. Họ tin rằng, việc này giống như biến loài lợn thành một xưởng sản xuất nội tạng và lên án về mặt đạo đức.
Năm 2010, Ủy ban châu Âu đề xuất cấm nhân bản động vật nhằm mục đích tiêu thụ cho con người.
Pascale Chavatte-Palmer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Phôi thai Quốc tế (IETS), có trụ sở tại Mỹ giải thích: "Thực tế, nghiên cứu nhân bản động vật đã dừng lại hoàn toàn ở châu Âu, khi xã hội không chấp nhận được việc này".
Bên cạnh đó, tại Mỹ còn tồn tại một xu hướng khác liên quan đến vấn đề nhân bản, đó chính là thú cưng. Công ty ViaGen, có trụ sở tại Texas, Mỹ có thể cung cấp thú cưng nhân bản từ chính vật nuôi của chủ sở hữu với giá khoảng 25.000-50.000 đô la.
Điển hình như nữ ca sĩ nổi tiếng của nước này, Barbra Streisand đã chia sẻ những hình ảnh hai chú chó con được sinh ra nhờ phương pháp nhân bản từ thú cưng Samantha của cô, đã qua đời vào năm 2017. Câu chuyện đã là một chủ đề được nhiều người quan tâm nổi lên trên nhiều mặt báo lớn của Mỹ.
Pascale Chavatte-Palmer dự đoán: "Có khả năng nhân bản động vật sẽ hồi sinh do phổ biến các công nghệ mới tạo điều kiện lợi cho việc biến đổi gen mang lại cho các loài thêm khả năng chống lại bệnh tật."
Hiện tại, các nhà khoa học còn có một kế hoạch đầy tham vọng đó là hồi sinh các loài động vật trên bờ tuyệt chủng như gấu trúc khổng lồ, tê giác trắng phương Bắc. Đặc biệt là loài voi ma mút lông cừu - biến mất cách đây hơn 4.000 năm.
Hoạt động nhân bản động vật có thể thực sự giúp bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng? Nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa bị thuyết phục với quan điểm này, thậm chí họ cảm thấy rằng các hoạt động trong phòng thí nghiệm về nhân bản động vật có thể làm tổn hại đến các nỗ lực bảo tồn tự nhiên hiện có.
Nhà sinh vật học bảo tồn Claudio Sillero, người thành lập Chương trình Bảo tồn loài Sói Ethiopia (đang có nguy cơ tuyệt chủng) tại Đại học Oxford, Mỹ cho biết: "Những con sói trong các đồng cỏ núi cao tại Ethiopia mới là đại diện cuối cùng cho sự hoang dã của vùng đất này".
Vấn đề cấp bách với loài sói Ethiopia không phải là sự đa dạng di truyền hay những khó khăn trong quá trình sinh sản. Điều hiện ngay trước mắt chúng ta là nó đang mất dần môi trường sống và con mồi (do con người đang tàn phá tự nhiên), đồng thời dễ bị lây bệnh từ những con sói địa phương.
Ông bày tỏ sự lo ngại khi các chính trị gia thiên về việc bảo tồn loài này bằng phương pháp nhân bản động vật thay vì các chương trình bảo tồn dài hạn và rộng rãi trong tự nhiên.
Mark Zastrow, biên tập viên cao cấp của New Scientist trong khi thực nghiệm tại một cơ sở nhân bản Công nghệ sinh học Sooam tại Hàn Quốc đã ghi lại cảm nhận: "Trong phòng cũi tầng ba của cơ quan này, tôi chứng kiến một số chú chó con đã được nhân bản. Đầu tiên là hai chú chó chăn cừu Đức 9 tháng tuổi, được nhân bản cho cảnh sát quốc gia."
"Nó là một con chó nghiệp vụ được coi là đặc biệt có khả năng và tài giỏi, chúng vô cùng thân thiện. Nhưng nó cũng vô cùng kỳ lạ: không chỉ mang ngoại hình giống hệt nhau, mà cả phong cách của chúng cũng vậy. Khi nhảy xuống, chúng vặn người sang trái - mọi lúc, đôi khi đồng loạt. Chi tiết duy nhất tôi có thể sử dụng để phân biệt chúng là một trong số đó có tai trái hướng lên trên", anh cho biết.
Có thể thấy rằng, nếu sử dụng phương pháp nhân bản động vật cho mục đích bảo tồn động vật hoang dã hay cho các mục tiêu khác vẫn là một vấn đề gây tranh cãi về tính đạo đức trong giới khoa học.
Và sự kiện nhân bản thành công loài chó sói Bắc Cực có được coi là một tín hiệu cho thế giới thấy rằng, nhân bản đã sẵn sàng để sử dụng để bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt trong điều kiện chúng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng về biến đổi khí hậu toàn cầu vấn là một câu hỏi chưa thể nào giải đáp.