Phẫu thuật nội soi trong điều trị u nhú mũi xoang
(Dân trí) - Sau 3 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Tai mũi họng TW do PGS.TS. Võ Thanh Quang dẫn đầu, đã nghiên cứu ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi trong điều trị u nhú mũi xoang (UNMX).
UNMX là loại u có nguồn gốc biểu mô hay gặp nhất trong các khối u lành tính mũi xoang, chiếm tỷ lệ từ 0,5-4% các khối u vùng mũi xoang. Phương pháp điều trị chủ yếu đối với căn bệnh này là phẫu thuật. Tuy nhiên, do đặc điểm bệnh lý của UNMX có thể xâm lấn vào các hốc xoang hay các cấu trúc quanh mũi xoang nên việc kiểm soát bệnh UNMX vẫn là thách thức đối với các phẫu thuật viên.
Trước những năm 90 của thế kỷ trước, phẫu thuật UNMX chỉ được thực hiện theo phẫu thuật mở với việc cắt một phần hay toàn bộ phần giữa xương hàm theo các đường vào mở cạnh mũi hay lột găng tầng mặt giữ và tùy thuộc độ lan rộng của khối u mà có thể kèm theo các đường phẫu thuật mở rộng khác. Theo thời gian, đã có những tiến bộ trong kỹ thuật nội soi như sử dụng ống nội soi có các góc độ khác nhau, sử dụng khoan góc dưới nội soi, định vị kiểm soát nền sọ và ổ mắt… đã cho phép mở rộng phẫu thuật nội soi cũng như phẫu thuật nội soi lấy u nhú xoan mũi.
Ở Việt Nam, cho đến trước năm 2000, tất cả các bệnh nhân UNMX đều được mổ bằng phẫu thuật mở nhưng tỷ lệ tái phát còn khá cao, đặc biệt là rất khó theo dõi, đánh giá mức độ tái phát và xử lý tái phát sau mổ. Từ sau năm 2000 đến nay, tại Khoa Mũi Xoang bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ước đã bước đầu áp dụng phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh UNMX và thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt nam còn tồn tại hai quan điểm điều trị UNMX bằng phẫu thuật nội soi và bằng phẫu thuật mở. Để dung hòa hai luồng quan điểm trên, đa số các tác giả đều cho rằng nên áp dụng phối hợp cả 2 phương pháp. Vì sự không thống nhất trên, đồng thời mỗi phương pháp lại có ưu, nhược điểm nhất định tùy theo giai đoạn của UNMX mà có chỉ định loại phẫu thuật phù hợp để đạt kết quả tốt nhất. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị UNMX phối hợp với phẫu thuật mở.
Thông qua mô tả đặc điểm lâm sàng, nội soi, chẩn đoán hình ảnh và kết quả mô bệnh học ở bệnh nhân UNMX cũng như ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị UNMX giai đoạn 1, 2, 3 và đánh giá kết quả phẫu thuật, các nhà khoa học đã xây dựng được quy trình chẩn đoán UNMX giúp đánh giá đúng tổn thương và phân loại giai đoạn UNMX bằng phẫu thuật nội soi cho Bệnh viện cũng như các cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho việc áp dụng và triển khai phẫu thuật nội soi điều trị UNMX tại các tuyến cơ sở. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã áp dụng quy trình phẫu thuật nội soi mũi xoang gồm 4 bước và đã thực hiện phẫu thuật nội soi mũi xoang cắt phần giữa xương hàm đối với bệnh nhân UNMX giai đoạn 3 cho kết quả khả quan.
Đề tài nghiên cứu can thiệp điều trị bệnh UNMX bằng phương pháp phẫu thuật nội soi giúp kiểm soát tốt bệnh lý UNMX ở giai đoạn phù hợp, hạn chế tỷ lệ tái phát cũng như các biến chứng trong và sau mổ, làm giảm thời gian phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn, từ đó giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
N.P.D-NASATI