1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện tàn tích của "Thành phố vàng đã mất" ở Ai Cập

Trang Phạm

(Dân trí) - Trong sứ mệnh đi tìm lời giải cho cái tên "Thành phố vàng đã mất" đầy bí ẩn trong lịch sử Ai Cập cổ đại, nhà nghiên cứu Zahi Hawass đã phát hiện ra tàn tích của thành phố huyền thoại này.

Phát hiện tàn tích của Thành phố vàng đã mất ở Ai Cập - 1

Thông tin từ Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập về phát hiện mới cho biết, "Thành phố vàng đã mất" được mệnh danh là khu công nghiệp và hành chính lớn nhất của nền văn minh Ai Cập cổ đại ở bờ Tây Luxor (Thebes). Tàn tích này có liên quan đến những tên tuổi lớn trong lịch sử Ai Cập cổ đại như Amenhotep III, Tutankhamun, Ay và Akhenaton. 

Ở quá khứ cổ đại, thành phố này là một đô thị công nghiệp và nơi ở của hoàng gia, tuy nhiên vị trí chính xác của nó trước đây thực sự là một bí ẩn.

"Nhiều đoàn nghiên cứu nước ngoài đã tìm kiếm thành phố này nhưng chưa bao giờ tìm thấy nó. Trong khi đó, chúng tôi bắt đầu công việc bằng cách tìm kiếm nơi có xác ướp Tutankhamun vì những ngôi đền của cả Horemheb và Ay đều được tìm thấy trong khu vực này", Zahi Hawass cho biết.

Phát hiện tàn tích của Thành phố vàng đã mất ở Ai Cập - 2

Hình ảnh những bức tường bằng gạch bùn ngoằn ngòeo cao 2,7 mét.

Rất may mắn, cuộc tìm kiếm của nhóm nghiên cứu đã có hiệu quả và họ đã phát hiện ra "thành phố lớn nhất từng được tìm thấy ở Ai Cập". Thành phố được cho thành lập bởi Pharaoh Amenhotep III (người trị vì khoảng 1386/1391 - 1353 trước Công nguyên).

Betsy Bryan, giáo sư Ai Cập học tại Đại học John Hopkins ở Mỹ, người không tham gia vào cuộc khai quật nhưng đã tận mắt nhìn thấy địa điểm này, tuyên bố: "Việc phát hiện ra thành phố đã mất này là khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ khi phát hiện lăng mộ của Tutankhamun".

Bryan cũng tin rằng phát hiện này sẽ cung cấp một cái nhìn hiếm có về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại vào thời điểm đế chế giàu có nhất và làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử: Tại sao Akhenaten và Nefertiti lại quyết định di chuyển đến Amarna?

Nhà khảo cổ học Salima Ikram đã đi lang thang khắp địa điểm với những bức tường bằng gạch ngoằn ngòeo cao 2,7 mét, rất đồng tình với sự vĩ đại của khám phá này, nói rằng: "Việc tìm thấy "Thành phố vàng đã mất" là một điều bất ngờ. Ban đầu nhóm đang tìm kiếm khu vực hầm mộ của Tutankhamun. Các cuộc khai quật đã được tiến hành kể từ tháng 9 năm 2020 tại một địa điểm nằm giữa đền thờ của Rameses III tại Medinet Habu và đền thờ của Amenhotep III tại Memnon".

Phát hiện tàn tích của Thành phố vàng đã mất ở Ai Cập - 3
Hình ảnh những xác chết được chôn cất kì lạ tại Thành phố vàng đã mất.

Ngay sau khi bắt đầu khai quật, nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra những bức tường bằng gạch bùn xung quanh chúng. Những căn phòng mà họ tìm thấy vẫn còn chứa lò nướng, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày và các công cụ của nghề thủ công như kéo sợi, dệt, khuôn để sản xuất bùa hộ mệnh, con dấu bằng đất sét, đồ gốm, nhẫn v.v.... Một số hiện vật này mang những dòng chữ tượng hình đã giúp các nhà khảo cổ xác định niên đại của địa điểm này.

Một trong những phát hiện độc đáo hơn là một chiếc bình dung tích hơn 7 lít chứa thịt khô hoặc thịt luộc với dòng chữ nói rằng nó được làm để phục vụ cho lễ hội Heb Sed lần thứ ba vào năm 37.

Ở quan điểm khảo cổ học, đây là một kho báu thực sự, nó ghi tên hai người đã làm việc trong "Thành phố Vàng đã mất" và xác nhận rằng thành phố đã hoạt động dưới thời của vua Amenhotep III và vị đồng nhiếp chính của Amenhotep IV/Akhenaten.

Nhóm nghiên cứu cũng đã khai quật được một số ngôi mộ kỳ lạ. Hai ngôi mộ chứa bò và một ngôi mộ khác là ngôi mộ của một người với cánh tay ở bên có một sợi dây quấn quanh đầu gối. Nhiều phân tích đang được tiến hành để cố gắng giải thích những ngôi mộ kì lạ này.

Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết địa điểm khảo cổ ở trong tình trạng rất tốt, chứa đựng nhiều bằng chứng đáng chú ý đến nỗi mặc dù nó đã hoang sơ hàng nghìn năm nhưng được đánh giá vẫn như thể mới ngày hôm qua.

Các cuộc khai quật đã được tiến hành trong 7 tháng và nhóm nghiên cứu đã khám phá ra một số khu vực lân cận của "Thành phố vàng đã mất". Nhưng có vẻ như công việc vẫn còn rất nhiều vì họ hầu như chưa chạm vào thứ mà họ tin rằng sẽ là một nghĩa trang lớn ở phía bắc thành phố.

Theo nhóm nghiên cứu, những ngôi mộ bằng đá có khả năng là những ngôi mộ hoang sơ chứa đầy kho báu. Thêm vào đó, vẫn còn một bí ẩn vẫn đang chờ được giải đáp trong "Thành phố vàng đã mất" đó là tại sao Akhenaten và Nefertiti lại quyết định di chuyển đến Amarna. Các nhà khảo cổ muốn biết liệu những câu chuyện có phải là sự thật hay không, lý do tại sao và liệu khu định cư có được sinh sống trở lại khi Tutankhamun trở lại Thebes hay không?

Đó là những câu hỏi lớn, có thể có hoặc không có câu trả lời ngay. Chỉ có thời gian và các cuộc khai quật tiếp theo mới cho biết những bí mật nào còn sót lại dưới cát tại "Thành phố vàng đã mất" được giải đáp.