Phát hiện ra loài thực vật ăn thịt đáng sợ từ dưới lòng đất

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loài thực vật ăn thịt dưới lòng đất, chúng tự tạo ra những cái bẫy khiến côn trùng bị mắc kẹt, không thể thoát khỏi.

Nepenthes pudica là một loài thực vật mới được phát hiện ở phía Bắc tỉnh Kalimantan, Indonesia. Nó sở hữu một đặc điểm "ghê rợn" đó là tạo ra những cái bẫy để ăn thịt côn trùng.

Phát hiện ra loài thực vật ăn thịt đáng sợ từ dưới lòng đất - 1
Một mầm cây pudica Nepenthes bị chôn vùi hoàn toàn với một cụm cây nắp ấm đang phát triển tốt, được phát hiện dưới lớp đệm rêu (Ảnh: Martin Dančák).

Vào năm 2012, các nhà khoa học đã tìm thấy một số loài thực vật ở quận Mentarang Hulu. Tổng cộng có 17 mẫu vật từ 5 địa điểm khác nhau nằm trong diện được quan sát. 

Một trong những loài thực vật đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu đó là một loài thuộc chi Nepenthes - loài thực vật ăn thịt có lá đã được biến đổi tạo thành một chiếc "bình", cùng với thân loe nhằm thu hút côn trùng đến và bị mắc kẹt lại ở đó.

Điểm đặc biệt của loài Nepenthes pudica là nó không bắt mồi ở ngoài trời mà ở dưới lòng đất từ những cái vòi của chúng. Sau khi quan sát, các chuyên gia đã rất bất ngờ khi phát hiện loài thực vật này theo dõi con mồi từ dưới đất.

Mặt khác, Nepenthes pudica là loài duy nhất trong chi của nó có thể bắt được những con mồi to. Đặc biệt, chúng rất thích loài kiến. 

"Điều thú vị là chúng tôi tìm thấy rất nhiều sinh vật sống bên trong chiếc "bình" của chúng, bao gồm cả ấu trùng muỗi, giun tròn, và một loài sâu", Václav, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về cây Nepenthes pudica, nhóm chuyên gia đã biết được rằng, loài cây này hình thành và phát triển các chồi ngầm bao gồm nhiều lá nhỏ màu trắng không có chất diệp lục, cùng với các bình có màu đỏ. 

"Chúng đặt những chiếc vòi dài tới 11cm dưới lòng đất và hình thành trong các hốc tạo thành một cái bẫy các động vật sống dưới đất, thường là loài kiến, ve và bọ cánh cứng", Martin Dančák, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. 

Hiện tại, loài cây này đang sống ở độ cao hơn 1000 mét so với mặt nước biển, trên một hòn đảo trong tỉnh Kalimantan. 

Điều này khiến các nhà khoa học lo lắng về tương lai của nó do hòn đảo này đang bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng "phi mã" làm suy giảm nhanh chóng đa dạng sinh học nơi đây.

Mặt khác, do Nepenthes pudica được phân bố hạn chế, có quy mô số dân số nhỏ và có thể mất môi trường sống, đang đáp ứng đủ các điều kiện để loài cây này được cấp tình trạng bảo tồn là "loài có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng". 

Các nhà nghiên cứu đã không tiết lộ vị trí chính xác của phát hiện trên vì sợ rằng chúng có thể bị đe dọa bởi người dân nơi đây.

Theo www.sciencesetavenir.fr

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm