Phát hiện ra "giọng nói" của loài vật ít được chú ý này

Minh Khôi

(Dân trí) - Rùa, cá, và nhiều loài lưỡng cư được phát hiện rằng chúng có sở hữu tiếng nói của riêng mình.

Nhiều loài động vật có thể phát ra âm thanh

Phát hiện ra giọng nói của loài vật ít được chú ý này - 1

Kỳ đà Tuatara (Sphenodon perfatus) giao tiếp bằng cách phát ra tiếng kêu (Ảnh: Getty).

Như chúng ta đã biết, nhiều loài động vật có xu hướng giao tiếp bằng cách phát ra tiếng kêu, điển hình như chó, mèo, trâu, bò... Thế nhưng còn các con vật khác? Liệu có phải chúng ta chưa nghe thấy, có nghĩa là chúng không biết "nói" hay không?

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra khả năng tạo ra âm thanh của hơn 50 loài động vật đa dạng, từ loài cá phổi Nam Mỹ, lưỡng cư Cayenne caecilian, hay kỳ đà Tuatara.

"Tất cả các loài được ghi nhận đều sở hữu một bộ sưu tập âm thanh đa dạng, với nhiều cách giao tiếp khác nhau", các tác giả kết luận.

Nguồn gốc tiến hóa có thể bị đảo lộn

Ngày nay, lý thuyết về giao tiếp qua âm thanh cho rằng đặc điểm cơ bản này chỉ có trên một số loài động vật sở hữu sự đa dạng về cấu trúc tai và hình thái giọng nói, điển hình như các loài chim và động vật có vú.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy điều đó không chính xác. Trên thực tế, ngay cả các loài động vật xếp ở vị trí khác nhau trên "cây sự sống" đều có khả năng phát ra âm thanh theo những cách giống nhau và vì những lý do tương tự.

Một trong số đó có thể là để giao phối, giao tiếp hay nuôi dạy con cái. Điều này cho thấy kỹ năng này có chung một nguồn gốc, và chỉ đơn giản là đã tiến hóa theo những cách khác nhau.

Phát hiện ra giọng nói của loài vật ít được chú ý này - 2

Cá phổi Nam Mỹ (Lepidosiren paradoxa) được phát hiện có sở hữu "giọng nói" để giao tiếp (Ảnh: Wikipedia).

Các nhà nghiên cứu cũng lập luận rằng nếu chúng ta thực sự muốn tìm hiểu cách thức giao tiếp bằng âm thanh phát triển như thế nào, thì những "nhóm quan trọng, và bị bỏ quên" này cần được ưu tiên hàng đầu.

"Mặc dù chúng ta không có nhiều dữ liệu về khả năng tạo ra âm thanh của các loài này, không có nghĩa là chúng không tạo ra tiếng nói", một đại diện của nhóm nghiên cứu cho biết.

Đây chính xác là những gì mà nghiên cứu hiện tại đang hướng tới. Các tác giả đã tìm thấy hàng chục ví dụ về giao tiếp âm thanh từ 106 loài bị "bỏ quên".

Từ những phát hiện này, các tác giả cho rằng nguồn gốc tiến hóa của việc sử dụng âm thanh để giao tiếp nơi động vật có thể đã phát triển phức tạp hơn nhiều, và có thể xuất phát từ một tổ tiên chung.

Theo www.sciencealert.com