1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện pháo đài Ai Cập 2.300 tuổi bảo vệ cảng trung chuyển voi chiến thời cổ đại

(Dân trí) - Một nhóm khảo cổ người Mỹ gốc Ba Lan đã tìm thấy một pháo đài lớn, được xây dựng từ 2.300 năm trước nhằm bảo vệ cảng biển cổ có tên là "Berenike" trên bờ Biển Đỏ (Ai Cập).

Phát hiện pháo đài Ai Cập 2.300 tuổi bảo vệ cảng trung chuyển voi chiến thời cổ đại  - Ảnh 1.

Một phần bức tường phòng thủ phía Bắc pháo đài. Ảnh: S.E. Sidebotham.

Được xây dựng vào thời điểm Ai Cập được cai trị bởi Nhà Ptolemy , triều đại của các pharaoh xuất thân từ một trong những vị tướng của Alexander Đại đế , những công sự này đều có kích thước lớn đối với thời bấy giờ.

"Hai lớp tường bảo vệ phần phía Tây của pháo đài, trong khi tường phía Đông và Bắc chỉ có một lớp. Tháp bắn tên hình vuông được xây dựng ở các góc và ở những vị trí tường giao nhau", theo nhà khảo cổ học Marek Woźniakand Joanna Rądkowska viết trên trên tạp chí Antiquity gần đây.

Phần phía Tây của pháo đài, bao gồm các bức tường đôi, quay về đất liền cho thấy những người phòng thủ pháo đài đặc biệt lo ngại về cuộc tấn công từ hướng đó, Woźniak, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khảo cổ Địa Trung Hải tại Đại học Warsaw, tuyên bố.

Bộ phận lớn nhất và kiên cố nhất của pháo đài Berenike là một khu vực phức hợp dài khoảng 160 mét và rộng 80 m, bao gồm "ba sân trong và một số công trình kết hợp nhau thành một pháo đài kiên cố bao quanh phân xưởng và nhà kho". Khía cạnh ấn tượng nhất của pháo đài có lẽ là kiến ​​trúc của nó, Nhà nghiên cứu Woźniak nói với Live Science rằng "cát phủ đã giúp bảo vệ phần kiến trúc bên trong nguyên vẹn một cách đáng ngạc nhiên".

Sau cửa vào, các nhà khảo cổ tìm thấy một giếng bằng đá cùng hàng loạt các cống và bể thu gom, lưu trữ và dẫn để sử dụng nước, cả nước ngầm lẫn nước mưa. "Hai bể chứa lớn nhất có tổng dung tích hơn 17.000 lít", Woźniak và Rądkowska viết. Họ cũng lưu ý rằng việc nước mưa được gom lại ở quy mô này cho thấy khu vực pháo đài Berenike thời cổ có khí hậu ẩm hơn hẳn ngày nay.

Phát hiện pháo đài Ai Cập 2.300 tuổi bảo vệ cảng trung chuyển voi chiến thời cổ đại  - Ảnh 2.

Những mảnh vỡ sọ voi con được tìm thấy trong pháo đài. Ảnh: S.E. Sidebotham.

"Điều thú vị là, dường như người chỉ huy pháo đài cho rằng các công sự là không cần thiết. Một số vị trí đã bị tháo dỡ sau thời gian rất ngắn", nhà nghiên cứu Woźniak nói với Live Science, ông lưu ý thêm rằng không tìm thấy bằng chứng nào về một cuộc tấn công vào pháo đài Berenike. Nhà Ptolemy thường xây dựng các thành phố và pháo đài kiên cố gần biên giới vương quốc để phòng thủ.

Lần theo tài liệu lịch sử, pháo đài Berenike chắc chắn là một phần của chuỗi các cảng được xây dựng dọc theo bờ Biển Đỏ để giúp cung cấp voi chiến cho quân đội của nhà Ptolemy, Woźniak nói. Vào năm 2014, nghiên cứu di truyền cho thấy các đội voi chiến Ai Cập có khả năng đã được nhập khẩu từ Eritrea, Đông Phi.

Sau khi La Mã tiếp quản Ai Cập vào năm 30 trước Công nguyên, thương mại cảng Berenike phát triển rất nhanh và cảng này đã trở thành một trung tâm buôn bán lớn. Từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu sau Công nguyên, các tuyến thương mại từ đây kéo dài sang Hy Lạp và Ý, đến tận phía Nam bán đảo Ả Rập, Ấn Độ, Bán đảo Mã Lai, Ethiopia và Đông Phi.

Tùng Anh

Theo Livescience