Phát hiện một “Trái Đất” mới có thể chứa sự sống nằm gần hệ Mặt trời
(Dân trí) - Công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh đã có một hướng đi mới sau khi phát hiện ra một hành tinh có kích thước giống Trái Đất và nằm tương đối gần hệ mặt trời của chúng ta.
Ross 128b là ngoại hành tinh thứ hai có khoảng cách đến Trái Đất gần nhất, với nhiệt độ bề mặt tương tự như Trái Đất, ngoại hành tinh này đang làm dấy lên hy vọng rằng nó có thể chứa sự sống.
Hành tinh này được phát hiện bởi một nhóm các nhà thiên văn của Chile, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Thiết bị tìm kiếm Hành tinh vận tốc xuyên tâm có độ chính xác cao (HARPS) của Đài quan sát La Silla.
Nằm cách chúng ta chỉ 11 năm ánh sáng, Ross 128b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ có thể nhỏ và mờ hơn so với Mặt trời.
Sao lùn đỏ là những ngôi sao mát nhất, hoạt động yếu nhất và xuất hiện phổ biến nhất trong vũ trụ. Điều này khiến cho chúng trở thành những mục tiêu rất tốt cho công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.
Nhưng rất nhiều ngôi sao lùn đỏ - trong đó có Proxima Centauri - thường phát ra các bức xạ tia X và tia tử ngoại nguy hiểm đến các hành tinh của nó. Trong số các ngoại hành tinh đã được phát hiện, Proxima b là ngoại hành tinh nằm gần hệ mặt trời nhất và đang quay quanh ngôi sao chủ Proxima Centauri.
Còn Ross 128 thì lại có vẻ là một ngôi sao yên tĩnh hơn nhiều, nên các hành tinh của nó sẽ là nơi gần nhất phù hợp với sự sống mà chúng ta đã biết. Mặc dù khoảng cách của Ross 128b đến ngôi sao chủ gần hơn so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt trời tận 20 lần, nhưng có lẽ mức độ bức xạ mặt trời mà nó nhận được cũng không nhiều hơn so với chúng ta. Nguyên nhân là do vị trí của nó vẫn thuộc vùng “Goldilock” (vùng sống được) – khi một hành tinh không nằm quá gần hoặc quá xa ngôi sao chủ, nhưng vẫn đủ gần để nước có thể duy trì ở dạng lỏng. Một chu kỳ quay của Ross 128b quanh ngôi sao chủ chỉ mất 9,9 ngày.
Nhà khoa học Nicola Astudillo – Defru công tác tại Đài quan sát Geneva ở Thụy Sĩ từng là thành viên của nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra Ross 128b. Bà cho rằng: “bởi vì Proxima Centauri vẫn phóng ra các tai lửa cực mạnh với bức xạ năng lượng cao đến các hành tinh của nó, nên có lẽ Ross 128b sẽ là một môi trường dễ chịu hơn nhiều để sự sống phát triển”.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải biết bầu khí quyển của Ross 128b như thế nào. Phụ thuộc vào thành phần và độ phản xạ của các đám mây ở đó, mà ngoại hành tinh này có thể sẽ là nơi thân thiện với sự sống và có nước ở dạng lỏng như Trái Đất, hoặc là sẽ là một hành tinh cằn cỗi như sao Kim.
NASA vẫn đang phát triển danh sách các hành tinh có thể duy trì sự sống ngoài hành tinh và phù hợp với con người.
Hiện có tổng cộng 50 ngoại hành tinh ở xa hệ mặt trời của chúng ta – đó là điều mà các nhà thiên văn và vật lý thiên văn trên toàn cầu rất quan tâm.
Cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ cho hay: “trong vòng 30 năm qua, mức độ hiểu biết của chúng ta về sự sống trong những môi trường khắc nghiệt đã tiến triển rất lớn. Các nhà khoa học đã tìm thấy vi khuẩn trong các lò phản ứng hạt nhân, vi khuẩn yêu thích a-xít và vi khuẩn có thể bơi lội trong nước sôi”.
Chúng ta đã phát hiện cả hệ sinh thái ở những lỗ thủy nhiệt dưới đáy biển sâu – nơi ánh sáng mặt trời không bao giờ tới được và nước phun ra từ các lỗ thủy nhiệt này thì đủ nóng để làm chì tan chảy. Vùng sống được – Goldilock – lớn hơn so với chúng ta vẫn nghĩ”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)