Phát hiện mới về nguồn gốc khiến loài khủng long tuyệt chủng
(Dân trí) - Sau nhiều nghiên cứu, cuối cùng nguồn gốc vật thể đâm vào Trái đất dẫn đến sự diệt vong của loài khủng long đã được các nhà khoa học tìm thấy.
Khoảng 66 triệu năm trước, vật thể ước tính rộng 9,6km đã đâm vào Trái đất, gây ra một loạt các trận đại hồng thủy, sau đó là mùa đông kéo dài nhiều thập kỷ, dẫn tới hủy hoại môi trường sống của loài khủng long.
Mới đây, nguồn gốc của vật thể này đã được các nhà khoa học lần đầu tiên xác định. Đó là một tiểu hành tinh nguyên thủy khổng lồ, xuất phát từ vùng ngoài của vành đai chính trong hệ Mặt Trời, nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Được biết, đây cũng là khu vực có nhiều tiểu hành tinh tối bậc nhất trong hệ Mặt trời. Tiểu hành tinh tối rất nguy hiểm, do thành phần hóa học khiến chúng phản xạ ít ánh sáng, dẫn tới chúng tối hơn và ít bị phát hiện hơn so với các loại tiểu hành tinh khác.
Dấu tích của vụ va chạm khiến loài khủng long tuyệt chủng được cho là vết lõm hình tròn chu vi 145km nằm tại khu vực miệng núi lửa Chicxulub, thuộc Bán đảo Yucatan, Mexico.
Bằng cách phân tích mẫu địa hóa của miệng núi lửa, các nhà khoa học kết luận rằng vật thể va chạm nằm trong nhóm thiên thạch nguyên thủy có tỷ lệ cacbon tương đối cao và có thể được hình thành từ rất sớm trong hệ Mặt Trời.
Trước đó, một nghiên cứu phản biện của các nhà khoa học tại Đại học Harvard cho rằng một mảnh của sao chổi mới là thủ phạm gây ra sự kiện khủng long tuyệt chủng, chứ không phải là do một tiểu hành tinh.
Sao chổi này có nguồn gốc từ Đám mây Oort. Đám mây giả thuyết này chủ yếu bao gồm các vi thể hành tinh băng giá được cho là nằm ở rìa hệ Mặt trời.
Tuy nhiên, nghiên cứu này vấp phải rất nhiều tranh cãi. David Kring - nhà khoa học tại viện mặt trăng và hành tinh ở Houston cho rằng Iridi và một số nguyên tố hóa học khác được tìm thấy rải rác trên toàn cầu sau vụ va chạm khiến khủng long tuyệt chủng. Tỷ lệ của các nguyên tố này giống như tỷ lệ được thấy trong các tiểu hành tinh.
Trong khi đó Natalia Artemieva - nhà khoa học cấp cao tại viện khoa học hành tinh thì cho rằng mảnh sao chổi quá nhỏ để tạo ra một hố có đường kính tới 180km như Chicxulub.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Harvard cho rằng sao chổi có kích thước khoảng 6,4km chiều rộng nhưng Artemieva cho rằng sao chổi cần rộng ít nhất 12km mới tạo ra một miệng hố lớn như của Chicxulub.