1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện loài chuột chũi mới ở Tây Nguyên

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Loài chuột chũi được phát hiện tại núi Ngọc Linh (Kon Tum) và khu vực Trung Trường Sơn có kích thước tương đương với chuột chũi Việt Nam, nhưng nhỏ hơn đáng kể so với chuột chũi Pakho.

Phát hiện loài chuột chũi mới ở Tây Nguyên - 1

Chuột chũi ngọc linh mới được phát hiện ở Việt Nam.

Các nhà khoa học tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Đại học Kyoto, Bảo tàng tự nhiên và khoa học Nhật Bản, và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật vừa phát hiện ra loài chuột chũi mới, tạm gọi là Chuột chũi ngọc linh (Euroscaptor ngoclinhensis), phân bổ tại núi Ngọc Linh (Kon Tum) và khu vực Trung Trường Sơn.

Kết quả này có được nhờ so sánh sự khác biệt giữa các quần thể của loài Chuột chũi răng nhỏ (Euroscaptor parvidens) phân bố ở khu vực Trung Trường Sơn (khối cao nguyên Kon Tum, Măng Đen, Kon Hà Nừng và Pleiku) và Nam Trường Sơn (khối cao nguyên M'Đrắk, Đắk Lắk, Mơ Nông, Lâm Viên và Di Linh).

Được biết, nghiên cứu cũng dựa trên phân tích thống kê đa biến của 140 mẫu vật Chuột chũi, thu thập tại 18 địa điểm khác nhau, đa phần thuộc 4 loài Chuột chũi giống Euroscaptor ở Việt Nam. Trong đó, bao gồm các mẫu vật thu thập tại vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) và Khu BTTN Nam Nung (Đắk Nông).

Chiều dài của Chuột chũi ngọc linh trung bình từ 12,0 đến 12,3 cm, đuôi dài khoảng 1,5 cm, chỉ chiếm 5,8 đến 6,1% chiều dài cơ thể. Loài này có kích thước tương đương với chuột chũi Việt Nam (Euroscaptor subanura), nhưng nhỏ hơn đáng kể so với chuột chũi Pakho (Euroscaptor parvidens).

Kết hợp với các yếu tố về di truyền và quá trình vận động địa chất nâng lên của 2 khối cao nguyên, nghiên cứu giả thuyết rằng tổ tiên của các loài trong nhóm Chuột chũi răng nhỏ và Chuột chũi ngọc linh phân bố rộng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên. Trong đó, riêng loài Chuột chũi răng nhỏ được xác định là chỉ phân bố ở khu vực Nam Trường Sơn.

Sau đó, cùng với quá trình vận động địa chất nâng lên của 2 khối cao nguyên Trung Trường Sơn và Nam Trường Sơn thì sự hình thành 2 phân loài (hoặc loài) bắt đầu diễn ra trong Thế Trung Tân (Miocene) cho đến ngày nay.

Đa số các loài thú trong họ Chuột chũi di chuyển bằng cách đào hầm hoàn toàn trong lòng đất (fossorial). Thích nghi với cách sinh sống này, chúng có cơ thể dày, thuôn dài, bộ lông nâu đen thẫm hay nâu xám đậm mềm mượt, đa số có lông ngực màu cam hoặc sáng màu do ảnh hưởng của tuyến tiết, tai nhỏ, thường không có vành tai và mắt rất nhỏ, gần như tiêu biến.

Chi trước của Chuột chũi phát triển để đáp ứng nhu cầu đào bới với bàn chân rộng, hướng ra hai bên và có thể di chuyển về phía sau, móng vuốt lớn. Trong khi đó, chân sau của chúng không có nhiều biến đổi để thích nghi giống như chân trước. Thức ăn của Chuột chũi chủ yếu là giun đất, các loại côn trùng và ấu trùng trong lòng đất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm