Phát hiện hàng nghìn ngôi mộ Hồi giáo cổ đại sắp xếp một cách bí ẩn

Trang Phạm

(Dân trí) - Giới khảo cổ học hiện đang nghiên cứu các di tích ở miền đông Sudan đã bất ngờ tìm thấy hàng nghìn ngôi mộ Hồi giáo thời trung cổ được sắp xếp theo những kiểu rất kì lạ.

Phát hiện hàng nghìn ngôi mộ Hồi giáo cổ đại sắp xếp một cách bí ẩn - 1

Những ngôi mộ cổ đại sắp xếp một cách bí ẩn.

Nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định vị trí của hơn 10.000 di tích ở khu vực Kassala, miền đông Sudan. Các di tích bao gồm tumuli, được làm bằng đá và là cấu trúc nâng lên tương đối đơn giản, phổ biến khắp thời tiền sử và lịch sử châu Phi và "qubbas" - một thuật ngữ dùng để chỉ các lăng mộ và đền thờ Hồi giáo trong thế giới Ả Rập.

Sau khi nhóm nghiên cứu lập bản đồ các di tích, họ đã gặp khó khăn trong việc giải thích dữ liệu, vì một số di tích đã được khai quật.

"Chúng tôi phải đối mặt với thách thức trong việc giải thích việc tạo ra cảnh quan mà hầu như không có dữ liệu khảo cổ học truyền thống, nhưng chúng tôi một bộ dữ liệu đủ lớn để có thể đưa ra giả thuyết về sự hiện diện của các quá trình phức tạp cả ở quy mô khu vực và địa phương", Stefano Costanzo, một nghiên cứu sinh về khảo cổ học tại Đại học Naples L'Orientale ở Italy, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Stefano Costanzo và các thành viên khác của nhóm đã tìm kiếm các kỹ thuật mô hình thống kê có thể giúp họ phát hiện ra các mẫu. Cuối cùng, họ quyết định chọn một phương pháp gọi là quá trình cụm Neyman-Scott, phương pháp này ban đầu được phát triển để nghiên cứu các mô hình không gian của các ngôi sao và thiên hà. Theo những gì nhóm được biết, các nhà khảo cổ học chưa bao giờ sử dụng kỹ thuật này.

"Đặc điểm lớn nhất của mô hình này nằm ở chỗ nó có thể xử lý các bộ dữ liệu khảo cổ học thiếu dữ liệu khai quật và hồ sơ lịch sử nhưng lại bao gồm một số lượng rất lớn các phần tử, là cơ sở để phân tích thống kê có ý nghĩa", Costanzo nói.

Phát hiện hàng nghìn ngôi mộ Hồi giáo cổ đại sắp xếp một cách bí ẩn - 2

Hình ảnh các mộ cổ từ trên cao.

Kỹ thuật mô hình hóa cho thấy các ngôi mộ Hồi giáo đang che giấu một số cụm con xoay quanh các ngôi mộ "cha mẹ" không xác định được, hoạt động như những trung tâm thu hút cho các cuộc chôn cất tiếp theo, dường như được quyết định bởi sự linh thiêng của vị trí và quỹ đạo xã hội của các nhóm di chuyển vẫn còn tồn tại.

Nghiên cứu cũng xác nhận rằng các khu vực sẵn có vật liệu xây dựng cũng có xu hướng có nhiều lăng mộ hơn. Các yếu tố môi trường, như địa hình cảnh quan, cũng có thể ảnh hưởng đến nơi đặt lăng mộ.

Nhóm nghiên cứu cho biết, khu vực Kassala là nơi sinh sống của người Beja, nhiều người vẫn sống theo lối sống bán du mục.

Các cụm địa phương có lẽ là nghĩa trang bộ lạc hay gia đình của người Beja. Cần nghiên cứu thêm để xác định vị trí chính xác của các ngôi mộ "cha mẹ". Nghiên cứu sâu hơn cũng có thể tiết lộ ai đã được chôn cất trong những ngôi mộ "cha mẹ" này và điều gì khiến chúng trở nên đặc biệt.

Bình luận về cách nghiên cứu và phát hiện khảo cổ mới, các học giả không liên kết với nghiên cứu cho biết các phương pháp và phát hiện của nhóm rất thú vị.

Nhà khảo cổ Derek Welsby từ tại Bảo tàng Anh, người đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng ở Sudan, cho biết: "Cách tiếp cận này rất phù hợp với việc điều tra các nhóm du mục, sống trên các vùng lãnh thổ rộng lớn. Nghiên cứu sẽ giúp việc khai quật trong tương lai ở khu vực này trở nên dễ dàng hơn".

Trong khi đó, David Wheatley, một giáo sư khảo cổ học tại Đại học Southampton, nhận định: "Kỹ thuật vũ trụ mà nhóm đã sử dụng "trông giống như một sự bổ sung khá thú vị và có giá trị tiềm năng cho kho vũ khí thống kê vốn đã khá lớn của ngành khảo cổ học để có được những hiểu biết sâu sắc về sự phát triển của những cảnh quan như thế này".

Tuy nhiên, một học giả đã đề xuất một hạn chế của nghiên cứu. Philip Riris, một giảng viên về mô hình khảo cổ học và môi trường cổ đại tại Đại học Bournemouth (Anh), bày tỏ lo ngại rằng nghiên cứu đã bao gồm những ngôi mộ từ thời gian rất khác nhau, điều này có thể đưa ra những nhận định không chính xác.