Hàng nghìn ngôi mộ cổ được phát hiện ở quê hương đội quân đất nung bí ẩn

Trang Phạm

(Dân trí) - Đội quân đất nung nổi tiếng thế giới là tập hợp các tác phẩm điêu khắc mô tả binh lính của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.

Theo thần thoại, đội quân này sẽ giúp bảo vệ hoàng đế ở thế giới bên kia. Các tác phẩm điêu khắc có niên đại khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên.

Hàng nghìn ngôi mộ cổ được phát hiện ở quê hương đội quân đất nung bí ẩn - 1

Truyền thông địa phương cho hay, đã có hàng nghìn đồ vật khảo cổ được phát hiện tại hai công trường xây dựng ở thành phố Tây An của Trung Quốc gần khu vực của đội quân đất nung huyền thoại. Các nhà khảo cổ đã bỏ cả ngày nghỉ và làm thêm giờ khi các công nhân xây dựng phát hiện ra các đồ tạo tác cổ.

Theo văn phòng di sản văn hóa Thiểm Tây, khu vực phát hiện ở một khu đất rộng 76 ha được sử dụng để mở rộng sân bay và một tuyến tàu điện ngầm dài hơn 80km.

Hơn 4.600 đồ vật có ý nghĩa khảo cổ đã được các công nhân xác định, trong đó có 3.500 ngôi mộ cổ.

"Số lượng, quy mô của các di tích là rất lớn nên khối lượng công việc khai quật khảo cổ học rất nhiều", các nhà khảo cổ cho biết.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, thành phố Tây An là quê hương của 13 triều đại và là thủ đô của Trung Quốc cổ đại trong tổng cộng 1.100 năm.

Kể từ khi trở thành một trung tâm giao thông và trải qua sự bùng nổ cơ sở hạ tầng, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều khám phá khảo cổ học tại đây.

Năm 2001, các nhà khoa học đã tìm thấy lăng mộ của Li Chi, một công chúa thời nhà Đường (618 - 907 sau Công nguyên). Một năm sau, các nhà nghiên cứu khai quật lăng mộ của Zhang Tang, một quan chức tư pháp hàng đầu của triều đại nhà Hán (206 TCN - 220 SCN).

"Ở Tây An, trước khi bất kỳ dự án xây dựng nào bắt đầu, hoặc trước khi chính phủ bán một khu đất nhất định, một cuộc khảo sát khảo cổ học sẽ được thực hiện. Điều này rất hiếm ở Trung Quốc", Wang Zili, phó giám đốc Viện Bảo tồn Văn hóa Tây An cho biết.