Phát hiện hài cốt 40 triệu năm tuổi của ếch ở Nam Cực

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu ở Nam Cực đã phát hiện hài cốt 40 triệu năm tuổi của một con ếch, cho thấy lục địa này từng có khí hậu ấm áp hơn nhiều và là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã.

Phát hiện hài cốt 40 triệu năm tuổi của ếch ở Nam Cực - 1

Bộ hài cốt này được tìm thấy trên đảo Seymour, nằm ở rìa bán đảo Nam Cực, trong một khu vực gần mũi phía nam của Nam Mỹ.

Nhóm nghiên cứu, với sự đồng dẫn dắt của Thomas Mors công tác tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển, đã tìm thấy xương sọ và xương hông của một con ếch được cho là thuộc họ Calyptocephalellidae. Thường hay được gọi là ếch đội mũ bảo hiểm, loài lưỡng cư nhỏ bé này vẫn được tìm thấy trên khắp Nam Mỹ, chủ yếu ở những vùng đất thấp của Chi-lê, nơi có nhiệt độ ấm áp và ẩm ướt.

Có vẻ như loài ếch này không thể tồn tại lâu dài trong điều kiện băng giá ở Nam Cực ngày nay, nhưng khám phá này đã mang đến một góc nhìn mới về việc giai đoạn khí hậu ôn hòa trước kia ở Nam Cực đã kéo dài trong bao lâu.

Nhà nghiên cứu Mors đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với báo Tin tức Khoa học rằng, “câu hỏi đặt ra bây giờ là, khí hậu ở đó đã từng lạnh như thế nào, và có những loài nào đang sống trên lục địa này khi những tảng băng bắt đầu hình thành? Loài ếch này là một dấu hiệu nữa cho thấy vào thời điểm đó, ít nhất xung quanh bán đảo này đã từng là môi trường sống thích hợp cho các loài động vật máu lạnh như các loài bò sát và các loài lưỡng cư”.

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng Nam Cực từng là một phần của một siêu lục địa lớn hơn được gọi là Pangaea, ngày nay là châu Úc và Nam Mỹ.

Phát hiện hài cốt 40 triệu năm tuổi của ếch ở Nam Cực - 2
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các hài cốt trên đảo Seymour, đỉnh phía Bắc của Bán đảo Nam Cực, gần điểm gần nhất của lục địa này và Nam Mỹ

Trong thời gian đó, khu vực này đã được bao phủ bởi các rừng mưa ôn đới tương tự với những rừng mưa ở New Zealand hiện nay, điều đó có thể sẽ hỗ trợ cho sự sống của các hệ sinh vật khác với Nam Cực ngày nay.

Nghiên cứu trước đây đã tìm thấy răng và các mảnh vỡ khác của các loài thú có túi có niên đại từ trước thời kỳ đóng băng, nhưng theo nhà nghiên cứu Mors thì vẫn chưa ai tìm thấy các bằng chứng về ếch.

Khoảng 34 triệu năm trước, Pangaea bắt đầu tách ra, và Nam Cực bắt đầu lạnh đi, hình thành những dòng sông băng lớn và cuối cùng biến nó thành nơi mà hầu hết các dạng sống đều không thể ở được.

Phát hiện hài cốt 40 triệu năm tuổi của ếch ở Nam Cực - 3
Hài cốt được cho là của loài ếch đội mũ bảo hiểm, một loài vẫn còn sống đến tận ngày nay ở những vùng khí hậu ôn hòa hơn thuộc Nam Mỹ, trong đó có cả vùng đất thấp ấm áp của Chi-lê
Phát hiện hài cốt 40 triệu năm tuổi của ếch ở Nam Cực - 4
Bộ hài cốt gồm một xương sọ và xương hông, nhóm nghiên cứu tin rằng chúng nó có niên đại trước khi thời kỳ đóng băng và băng hà làm thay đổi hoàn toàn địa hình của Nam Cực
Phát hiện hài cốt 40 triệu năm tuổi của ếch ở Nam Cực - 5
Các cuộc thám hiểm đến Nam Cực trước đây đã tìm thấy những mảnh xương nhỏ của các loài thú có túi và các động vật có vú khác, nhưng chưa từng có ai tìm thấy bằng chứng về sự sống của động vật lưỡng cư ở đó hơn 200 triệu năm trước

Nhóm của Mors đã bắt đầu cuộc thám hiểm với hy vọng tìm hiểu thêm về địa hình trong thời kỳ đó và nguyên nhân chính xác đã làm nhiệt độ giảm đi.

Mors tin rằng việc tìm hiểu thêm về các dạng sống mà vùng đất này hỗ trợ, có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về nguyên nhân đã làm khí hậu Nam Cực thay đổi mạnh mẽ như vậy. Ông cho biết “thật tuyệt vời khi có thêm dữ liệu này để có thêm một ý tưởng tốt hơn về quá trình lạnh đi”.

Ngọc Anh

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm