Phát hiện công trình cổ có thể hạ bệ các kim tự tháp vĩ đại trên thế giới

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện một cấu trúc có thể là kim tự tháp bên dưới địa điểm thời tiền sử Gunung Padang ở Indonesia, nó gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trong cộng đồng khảo cổ.

Phát hiện công trình cổ có thể hạ bệ các kim tự tháp vĩ đại trên thế giới - 1

Khu vực ẩn chứa kim tự tháp được cho là có nguồn gốc từ con người (Ảnh: Science Post).

Một phát hiện gây tranh cãi

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Archaeological Prospection mới đây, đưa ra tuyên bố địa điểm Gunung Padang có thể là một kim tự tháp được xây dựng khoảng 27.000 năm trước, do con người xây dựng. 

Tuyên bố này, nếu được xác thực, nó có thể định nghĩa lại lịch sử văn minh nhân loại trong khu vực, thách thức sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử thế giới kiến trúc và xây dựng.

Đồng thời, khám phá này cũng sẽ hạ bệ các kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập và địa điểm khảo cổ Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ, đây vốn là những công trình kiến trúc cự thạch (những cấu trúc bằng đá khổng lồ đứng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau để tạo thành một công trình kiến trúc hoặc tượng đài, di tích) lâu đời nhất được biết đến. 

Nhà địa chất, Danny Hilman Natawidjaja, Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN), lập luận rằng việc xây dựng những kim tự tháp như vậy đòi hỏi kỹ năng xây dựng tiên tiến, thể hiện một nền văn minh am hiểu khoa học công nghệ vào thời điểm đó.

Tiết lộ cuộc khai quật

Các cuộc điều tra được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2014, cho thấy Gunung Padang bao gồm 5 bậc thang bằng đá có tường chắn và cầu thang nối liền nhau, nằm trên đỉnh một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động. 

Các nhà khảo cổ học đã xác định bốn lớp của cấu trúc kim tự tháp này bao gồm lớp sâu nhất, lõi dung nham cứng lại, được cho là đã được người cổ đại "điêu khắc cẩn thận".

Các lớp sau, được làm bằng đá, sắp xếp như gạch, nhóm nghiên cứu phân tích đồng vị carbon ước tính, nó có niên đại 27.000 năm.

Sự hoài nghi ngày càng tăng

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn hoài nghi về những tuyên bố này. Lutfi Yondri, một nhà khảo cổ học tại BRIN, chỉ ra rằng bằng chứng khảo cổ học cho thấy khu vực này là nơi sinh sống của những người thời đồ đá sống trong các hang động cách đây 6.000 - 12.000 năm trước, ngay sau thời kỳ được cho là xây dựng kim tự tháp. 

Phát hiện công trình cổ có thể hạ bệ các kim tự tháp vĩ đại trên thế giới - 2

Tàn tích của kim tự tháp ở Gunung Padang (Ảnh: Science Post).

Nhà khảo cổ Flint Dibble, Đại học Cardiff (Vương quốc Anh), đặt câu hỏi về kết luận rút ra từ dữ liệu được trình bày trong nghiên cứu, chỉ ra rằng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các lớp bị chôn vùi là do con người xây dựng.

Đối mặt với cuộc điều tra

Cuộc tranh cãi khiến tạp chí Archaeological Prospection phải mở một cuộc điều tra để xác định lại tính xác thực của nghiên cứu này. 

Nhà địa vật lý khảo cổ, Eileen Ernenwein, Đại học bang Tennessee và đồng biên tập của tạp chí trên, cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành theo hướng dẫn của Ủy ban Đạo đức Xuất bản nhằm mục đích làm rõ tính hợp lệ của những phát hiện và giải thích được trình bày trong bài viết.

Phát hiện tại Gunung Padang tuy hấp dẫn nhưng vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn và gây tranh cãi.

Nó nêu bật những thách thức phải đối mặt trong việc giải thích dữ liệu khảo cổ học và nhấn mạnh sự cần thiết của những cuộc điều tra nghiêm ngặt và hợp tác cởi mở trong cộng đồng khoa học để làm sáng tỏ những bí mật trong quá khứ của chúng ta.