Phát hiện công cụ bằng đá niên đại 2,4 triệu năm tuổi có thể viết lại lịch sử loài người

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học tại Algeria vừa phát hiện một lượng lớn các hiện vật được cho là công cụ được người cổ đại sử dụng để cắt xương động vật.

Những dấu vết của bộ công cụ được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Ain Boucherit, Algeria, có niên đại khoảng 2,4 triệu năm trước.

Phát hiện này không chỉ có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc thu thập các công cụ bằng đá thời tiền sử mà còn là những bằng chứng quan trọng để loài người xem lại nhưng lý thuyết hiện tại nói về nguồn gốc của nhân loại ngày nay.

Mẫu công cụ bằng đá mới được các nhà khảo cổ phát hiện tại Algeria.
Mẫu công cụ bằng đá mới được các nhà khảo cổ phát hiện tại Algeria.

Một số quan điểm cho rằng nhóm người cổ đại biết sử dụng các công cụ bằng đá lâu đời đã được lan truyền đến nhiều khu vực ở Đông Phi.

Căn cứ cho quan điểm này đó là bộ công cụ Oldowan từng được phát hiện ở Ethiopia có niên đại khoảng 2,6 triệu năm tuổi, là những công cụ bằng đá lâu đời nhất mà chúng ta biết được đến nay. Những hiện vật bằng đá này có các dấu hiệu đặc biệt sắc nhọn có thể được sử dụng để cắt.

Trong khi đó, bộ công cụ mới tìm thấy ở Ain Boucherit cũng có các dấu hiệu tương tự. Thậm chí còn được tìm thấy cùng với 19 mẫu xương động vật đi kèm.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đặt các giả thuyết phản biện cho rằng hiện vật cổ nhất trong bộ công cụ chỉ cách 200.000 năm so với bộ công cụ Oldowan có một số điểm bất thường về mặt thời gian.

Mohamed Sahnouni, tác giả chính và là một nhà khảo cổ học tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Sự tiến hóa của Tây Ban Nha cùng nhóm của ông đã sử dụng các phương pháp phân tích tân tiến nhất và xác định được rằng, những mẫu hiện vật xuất hiện cùng các công cụ được xác định các loài voi, voi, ngựa và lợn đã tuyệt chủng, cùng các loài khác như linh dương, tê giác, linh cẩu và cá sấu.

Kết quả phân tích cho thấy các công cụ trong bộ sưu tập có niên đại từ 1,9 đến 2,4 triệu năm tuổi.

Mohamed Sahnouni cho rằng, sự bất thường về thời gian có thể liên quan đến sự phổ biến nhanh chóng các công cụ bằng đá từ Đông Phi đến những nơi bên ngoài khu vực hoặc người cổ đại đã sử dụng các công cụ bằng đá ở nhiều địa điểm độc lập.

Với hàng loạt những căn cứ mới được phát hiện, xâu chuỗi lại, các nhà nghiên cứu cho rằng, có lẽ lịch sử nguồn gốc của nhân loại cần được xem xét lại nhưng để chắc chắn cần có thêm các bằng chứng xác thực hơn nữa.

Khôi Nguyên (Theo IFL Science)