1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện chim cánh cụt màu vàng cực hiếm gặp

Trang Phạm

(Dân trí) - Một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã đã vô tình chụp được những hình ảnh về loài chim cánh cụt quý hiếm trên một hòn đảo xa xôi ở Nam Georgia.

Phát hiện chim cánh cụt màu vàng cực hiếm gặp - 1

"Một con chim cánh cụt vua đi thẳng về hướng của chúng tôi giữa một vùng hỗn loạn đầy voi biển và hải cẩu Nam Cực, cùng hàng nghìn con chim cánh cụt vua khác. Tôi thực sự rất may mắn", nhiếp ảnh gia Yves Adams đến từ Bỉ cho biết.

Vào thời điểm đó, Adams đang dẫn đầu một cuộc thám hiểm nhiếp ảnh kéo dài hai tháng qua Nam Đại Tây Dương và đã dừng lại trên một bãi biển Nam Georgia. Trong khi mở gói thiết bị an toàn, anh bất ngờ nhìn thấy một đàn chim cánh cụt đang bơi về phía bờ và một con ngay lập tức lọt vào mắt anh.

"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe nói về một con chim cánh cụt màu vàng trước đây. Có 120.000 con chim trên bãi biển đó và đây là con màu vàng duy nhất ở đó. Tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên khi nhận ra sự thật kì lạ. Ngay lập tức tất cả đã bỏ tất cả các thiết bị an toàn và chộp lấy máy ảnh của mình", Adams chia sẻ.

Chim cánh cụt vua (Aptenodytes patagonicus), cũng giống như chim cánh cụt hoàng đế có quan hệ họ hàng gần (Aptenodytes forsteri), thường sở hữu một bộ lông đen trắng với một vệt màu vàng vàng trên cổ của chúng.

Phát hiện chim cánh cụt màu vàng cực hiếm gặp - 2

Con chim cánh cụt đặc biệt dường như vẫn giữ được những chiếc lông màu vàng nhưng đã mất đi những chiếc lông sẫm màu, thường có màu đặc trưng bởi sắc tố nâu đen được gọi là melanin.

Chim cánh cụt có bộ lông khác thường tương đối hiếm, và đôi khi có thể khó xác định nguyên nhân đằng sau màu sắc hiếm thấy chỉ bằng cách nhìn vào nó. Một số màu sắc khác thường có thể do chấn thương, chế độ ăn uống hoặc bệnh tật, nhưng nhiều trường hợp là do đột biến gene.

Theo phỏng đoán của các nhà khoa học, chim cánh cụt màu vàng có thể đã mất đi sắc tố melanin, một sắc tố khiến một số lông của nó có màu đen.

Adams cho rằng con chim màu vàng mắc một tình trạng di truyền được gọi là bệnh leucism, trong đó chỉ mất một số sắc tố melanin.

Dee Boersma, một nhà sinh học bảo tồn và giáo sư tại Đại học Washington, người không tham gia chuyến thám hiểm, đồng ý với quan điểm này: "Con chim cánh cụt này thiếu một số sắc tố nên nó mới có màu kì lạ như vậy trong khi những con bạch tạng thực sự đã mất hết sắc tố".

Trong khi đó, Kevin McGraw, một nhà sinh thái học hành vi tích hợp tại Đại học bang Arizona, người cũng không tham gia chuyến thám hiểm, lại nhận định: "Tôi sẽ không gọi con chim mắc leucistic vì chim cánh cụt dường như thiếu tất cả sắc tố melanin. Nó trông có vẻ như bị bạch tạng vì nó thiếu tất cả các hắc tố ở bộ lông, bàn chân và mắt của nó. Tuy nhiên, chúng tôi cần các mẫu lông để xét nghiệm sinh hóa nếu chúng tôi muốn khẳng định chắc chắn. Động vật có thể bị bạch tạng nhưng vẫn có sắc tố không phải melanin".

Tranh luận với quan điểm này, nhà nghiên cứu McGraw nói chim cánh cụt đã mất sắc tố carotenoid hoặc sắc tố vàng cam-đỏ trong mỏ và sắc tố melanin trong lông, trong khi vẫn giữ lại sắc tố vàng trong lông của nó. Vì vậy, bộ máy di truyền và tế bào cho một số sắc tố đã bị loại bỏ trong khi những bộ máy khác thì không.