Phát hiện chất béo từ 558 triệu năm trước của động vật cổ xưa nhất
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện ra tàn dư của chất béo trong một hóa thạch cổ đại thuộc về loài động vật được xác nhận là cổ xưa nhất trên Trái Đất.
Chất béo này, được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Australia, có niên đại từ 558 triệu năm trước, và thuộc về một sinh vật kì lạ có tên Dickinsonia.
Dickinsonia phát triển tới 1,4m về chiều dài và có hình trái xoan với các đoạn như xương sườn chạy dọc cơ thể.
Di cốt hóa thạch của nó được phát hiện ở một khu vực hẻo lánh gần Biển Trắng ở Nga.
Tiến sĩ Jochen Brocks, người dẫn dắt nghiên cứu, cho biết: “Các phân tử chất béo hóa thạch mà chúng tôi tìm được chứng tỏ rằng động vật rất lớn và phong phú 558 triệu năm trước, sớm hơn hàng triệu năm so với suy nghĩ trước đây.
Các nhà khoa học đã tranh luận hơn 75 năm về việc Dickinsonia và các hóa thạch kì lạ của E Edicaran Biota là gì: amoeba đơn bào khổng lồ, địa y, các thử nghiệm tiến hóa thất bại hay những động vật đầu tiên trên Trái Đất. Chất béo hóa thạch hiện giờ xác nhận Dickinsonia là hóa thạch động vật cổ nhất từng biết đến, giải quyết bí ẩn hàng thập kỉ được xem là “Chén Thánh” của giới cổ sinh vật học”.
Hóa thạch Dickinsonia được bảo tồn hữu cơ từ khu vực Biển Trắng ở Nga.
Cho đến giờ, các nhà khoa học đã cố gắng tìm hóa thạch Dickinsonia giữ lại các vật chất hữu cơ.
Anh Ilya Bobrovskiy , tác giả nghiên cứu, cho biết: “Hầu hết các hòn đá chứa những hóa thạch này từ Dãy núi Ediacara ở Australia đã chịu đựng rất nhiều nhiệt, nhiều áp lực, và sau đó bị phong hóa – đây là những hòn đá mà các nhà cổ sinh vật học nghiên cứu nhiều thập kỉ, lí giải tại sao họ lại vướng mắc ở nghi vấn về đặc tính thật của Dickinsonia.
Để biết những hóa thạch này có niên đại bao nhiêu, các nhà nghiên cứu đã phân tích các phân tử bên trong nó.
Tiến sĩ Brocks cho biết: “Khi Ilya cho tôi xem kết quả, tôi không thể tin nổi. Nhưng tôi cũng ngay lập tức thấy được tầm quan trọng của nó”.
Lộc Xuân (Theo Mirror)