Phát hiện bộ xương hoàn chỉnh nhất của “quái thú điên rồ”
(Dân trí) - Khoảng 180 triệu năm trước, siêu lục địa cổ đại Gondwana bắt đầu bị chia cắt dần, quá trình này đã dẫn đến sự hình thành các lục địa và khu vực tách biệt ngày nay ở Nam bán cầu.
Cuối cùng, sự phân chia khu vực này đã dẫn đến sự tiến hóa độc đáo ở tổ tiên của các loài động vật có vú hiện nay.
Được đặt tên theo tiếng Malagasy của Madagascar (Ma-đa-gát-xca) với nghĩa là “điên rồ”, và tiếng Hy lạp cho từ “quái thú”, con vật mới có tên Adalatherium hui này là một bộ hài cốt hoàn chỉnh nhất của một loài động vật cổ đại sống ở Gondwana – một loài sinh vật còn được gọi là dã thú gondwana. Có lẽ địa điểm sinh sống độc nhất của A.hui đã dẫn tới sự tiến hóa đặc biệt của nó.
Gondwana từng là một lục địa hợp nhất bao gồm Nam Mỹ, châu Phi, Ả Rập, Ấn Độ, châu Úc, Nam Cực, và cả - cho đến khoảng 88 triệu năm trước – Madagascar – nơi tìm thấy bộ xương của A.hui. Trước đây, người ta mới chỉ biết đến A.hui thông qua một bộ xương gồm hàm, răng và một hộp sọ tách rời, vì thế hiểu biết về chu kỳ sống, đặc điểm sinh học, giải phẫu và các mối quan hệ về tiến hóa loài của nó rất nghèo nàn.
“Bộ hài cốt này đã tiết lộ về một loạt các thích ứng bất thường – thậm chí là duy nhất – có lẽ là do sự tiến hóa trong một môi trường dạng đảo” – các tác giả đã viết trên tạp chí Tự nhiên, thêm vào đó, A.hui cũng có rất nhiều đốt sống thân, một cái đuôi ngắn và rộng, và nó còn được bảo quản tốt đến mức, thậm chí các nhà nghiên cứu còn có thể nhận ra các mô sụn trên đó.
Mặc dù mẫu vật này được cho là của một cá thể chưa trưởng thành, với trọng lượng chỉ khoảng 31 cân, các nhà nghiên cứu vẫn lưu ý rằng đây là một trong những mẫu vật lớn nhất được tìm thấy từ đại Trung sinh của Gondwana – kéo dài từ khoảng 252 triệu đến 65 triệu năm trước, và cho rằng cơ thể khổng lồ này có thể là kết quả của sự tiến hóa trong một sinh cảnh hải đảo.
Các tác giả lưu ý, “trong số các loài động vật có vú, những ảnh hưởng có thể định lượng và rõ ràng nhất đến sự tiến hóa trên các đảo là những ảnh hưởng tới kích thước cơ thể. Quan sát này đã dẫn tới cách nói “quy tắc đảo”, trong đó cho rằng - về mặt tiến hóa, các loài động vật có vú nhỏ tăng lên, còn các loài lớn thì giảm đi về kích thước”, thêm vào đó, “quy tắc đảo” là một vấn đề gây tranh cãi và “rõ ràng không phổ biến”.
“Ngoài ra, sự tiến hóa trong môi trường đảo được cho là dẫn đến những thay đổi về đặc điểm giải phẫu, sinh lý học, hành vi và chu kỳ sống, và sự phong phú loài tương đối thấp, mất cân bằng về phân loại học, tính đặc hữu cao, và tính nguyên thủy ở mức bình thường”.
Vì Madagascar tách biệt hẳn với tiểu lục địa Ấn Độ và quần đảo Seychelles, các loài động vật sống trên đảo đã tiến hóa trong điều kiện “cách ly hoàn toàn” đặc biệt của các môi trường đảo, giúp thúc đẩy các con đường tiến hóa độc đáo của chúng, phần lớn là do “các nguồn lực bị hạn chế, sự cạnh tranh giữa các loài khác nhau giảm, và số lượng những kẻ săn mồi và các loài ký sinh thì rất ít”.
Các sinh vật có thể tiếp cận hòn đảo này phải biết bay hoặc bơi, hoặc có thể ngồi bè đến đảo, vì A.hui không có vẻ gì là biết bay hay đặc biệt thích hợp để bơi lội, nên nhóm nghiên cứu cho rằng có thể loài thú này đã tiến hóa trên đảo.
Ít nhất có hai loài dã thú khác của gondwana đã từng được ghi lại trong tài liệu khoa học, đó là Adalatherium Lavanify và Vintana. Trên cây phả hệ, những loài mới này được đặt bên cạnh nhóm thú răng nhiều mấu (multituberculates) - một nhóm động vật có vú giống các loài thú gặm nhấm có nguồn gốc từ các lục địa phía Bắc.
Ngọc Anh
Theo IFL Science