1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phản ứng khó tin của nhà sư khi rắn hổ chúa cỡ "khủng" lao về phía mình

T.Thủy

(Dân trí) - Khi nhìn thấy con rắn hổ chúa kích thước "khủng" bất ngờ lao về phía mình, nhà sư đã có phản ứng khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Camera giám sát tại một ngôi chùa ở tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) đã ghi lại được khoảnh khắc đáng sợ, khi một con rắn hổ chúa cỡ lớn bất ngờ trườn về phía một vị sư đang ngồi.

Những phật tử đang có mặt trong chùa khi nhìn thấy con rắn cỡ lớn đã hét lên đầy hoảng sợ, tuy nhiên, nhà sư đã ra dấu cho họ hãy nhanh chóng rời đi chỗ khác. Về phần mình, vị sư này thể hiện thái độ bình tĩnh đáng kinh ngạc, vẫn thản nhiên ngồi yên một chỗ mà không hề hoảng sợ, chỉ đưa chân lên ghế để con rắn bò qua phía dưới.

Con rắn sau đó trườn vào bên trong chiếc thùng cạc-tông đặt trên nền nhà để trốn.

Phản ứng khó tin của nhà sư khi rắn hổ chúa cỡ "khủng" lao về phía mình (Video: VPress).

Các chuyên gia bắt rắn đã được gọi đến hiện trường để giúp xử lý con vật. Sau khi bắt giữ được con rắn, các chuyên gia xác định đây là một cá thể rắn hổ chúa dài hơn 3m, nhưng có vết thương khá nghiêm trọng ở phần đuôi.

Nhà sư cho biết một người đi xe đạp đã hoảng sợ khi nhìn thấy con rắn cỡ lớn đang băng qua đường nên cán vào phần đuôi con vật. Con rắn đau đớn do bị thương nên đã trườn vào chùa để lẩn trốn.

Mặc dù con rắn ở trạng thái kích động sau khi bị thương, may mắn nó không tấn công bất cứ ai. Vị sư trong đoạn clip cho biết ông không hề hoảng sợ khi thấy con rắn xuất hiện vì ông biết rắn sẽ không chủ đích tấn công bất cứ ai nếu không bị khiêu khích.

Hiện con rắn đang được các chuyên gia động vật hoang dã chăm sóc và toàn bộ chi phí điều trị cho con vật sẽ được các phật tử của ngôi chùa ủng hộ. Sau khi con rắn bình phục sẽ được trả tự do về rừng.

Được biết ngôi chùa nơi xảy ra vụ việc nằm sát một khu rừng rậm và thường xuyên có các loài động vật hoang dã như khỉ, rắn… xuất hiện trong khuôn viên.

Theo những chuyên gia về bò sát, các loài rắn thường tìm cách lẩn trốn và không chủ động tấn công con người. Chúng chỉ tấn công con người nếu cảm thấy bị đe dọa trong trường hợp con người cố ý bắt hoặc tấn công chúng; hoặc bị vô tình giẫm phải.

Đoạn clip kể trên là một minh chứng cho thấy rắn không chủ đích tấn công con người mà chỉ đang tìm cách bỏ trốn khi đối mặt.

Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành hoặc thậm chí một con voi. Nọc của rắn hổ chúa là nọc độc thần kinh, ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim.

Thức ăn của hổ chúa là các loài gặm nhấm, động vật có vú nhỏ hay các loài rắn khác. Vai trò của hổ chúa là kiểm soát số lượng rắn trong khu vực mà nó sinh sống. Trong trường hợp các cá thể rắn khác đã bị suy giảm, rắn hổ chúa sẽ ăn thịt chính cả đồng loại của mình, như một cách để kiềm chế số lượng của loài rắn này.

Rắn hổ chúa thường đuổi theo những loài rắn săn chuột khác, điều này có thể dẫn đến việc rắn hổ chúa xuất hiện ở những khu vực có người sinh sống.

Dù có kích thước lớn và sở hữu nọc độc nguy hiểm, hổ chúa được đánh giá là loài rắn khá nhút nhát, thường tìm cách lẩn trốn khi đối đầu với con người và chỉ tấn công trong trường hợp bị đe dọa hoặc bị kích động.

Theo ITN/VPress