Phải chăng bạch tuộc có nguồn gốc ngoài hành tinh?
(Dân trí) - Một số nhà khoa học cho rằng bạch tuộc có thể là sinh vật ngoài hành tinh. Mặc dù khẳng định này có vẻ lạ lùng, nhưng nghiên cứu mới về bộ não của bạch tuộc tiếp tục cho thấy chúng vô cùng kỳ lạ.
Nghiên cứu được thực hiện nhờ một kỹ thuật vô cùng mới. Kỹ thuật này cho phép các nhà nghiên cứu ghi lại hoạt động của não lên đến 12 tiếng. Bản thân kỹ thuật này đã mang tính đột phá, nhưng đặc biệt hơn nữa là các nhà khoa học chưa thể khẳng định điều gì đã tạo ra những tín hiệu mà họ đã phát hiện trong não của những con bạch tuộc.
Tiến sỹ Tamar Gutnick, tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng: "Bạch tuộc là loài động vật hoàn hảo để nghiên cứu" nếu chúng ta muốn hiểu chính xác cách bộ não hoạt động. Bạch tuộc không chỉ có bộ não lớn mà chúng còn có cơ thể độc đáo và khả năng nhận thức tiên tiến, Tiến sỹ Gutnick cho hay. Ông cũng lưu ý rằng chụp ảnh hoạt động của não bạch tuộc không hề dễ dàng.
Vì bạch tuộc không có hộp sọ nên não của chúng được bọc bởi một lớp sụn mỏng. Lớp vỏ này gây khó khăn cho việc cấy ghép điện cực là những thiết bị cần thiết để ghi lại hoạt động của não. Bên cạnh đó, vì bạch tuộc có thể dễ dàng gỡ bỏ mọi thứ ra khỏi cơ thể nó nhờ những xúc tu dài, nên cũng không thể kết nối những thiết bị với cơ thể chúng. Vậy thì làm thế nào để có thể ghi lại tín hiệu trong bộ não của một con bạch tuộc?
Các nhà nghiên cứu đã phải dựa vào một giải pháp thay thế. Đầu tiên, họ cấy một máy ghi dữ liệu và một số điện cực vào một con bạch tuộc bằng cách rạch một đường nhỏ giữa hai mắt của nó và đưa các thiết bị này đã được gắn trên một thẻ nhựa, vào đầu nó. Nhờ đó họ đã cấy được thiết bị trực tiếp vào thùy não của bạch tuộc.
Bằng cách này, các nhà nghiên cứu có thể thu được những tín hiệu rõ ràng từ bộ não của bạch tuộc. Tuy nhiên, họ vẫn chưa giải mã được chúng. Một số sóng xuất hiện có sự tương đồng với sóng não của động vật có vú, thậm chí có phần giống với não con người. Một số khác lại rất khác biệt, chúng tồn tại lâu hơn và có dao động chậm hơn.
Ngoài ra, sóng não của bạch tuộc dường như cũng không tuân theo hành vi của nó theo bất kì cách nào. Các chuyển động, hành vi và những hoạt động khác có vẻ không hề tương quan trực tiếp với sóng não mà các nhà nghiên cứu thu được. Điều đó càng đặt ra nhiều câu hỏi hơn về những sinh vật kì lạ dưới ngôi nhà đại dương trên Trái Đất.