Nữ bác học gốc Việt đầu tiên “hạ bệ” Diêm Vương tinh

(Dân trí) - Giản dị trong trang phục giày vải thể thao, bộ áo váy nhẹ nhàng, miệng luôn nở nụ cười thân thiện khi trò chuyện, nữ giáo sư Lưu Lệ Hằng - người Mỹ gốc Việt đầu tiên có tên đặt cho một tiểu hành tinh, đã để lại ấn tượng mạnh cho chúng tôi.

Giáo sư Lưu Lệ Hằng là người phát hiện vành đai Kuiper, khám phá hơn 30 thiên thạch hay tiểu hành tinh mới, tên bà được đặt cho một tiểu hành tinh là Asteroid 5430 Luu. Năm 2012, bà được trao hai giải thưởng danh giá là Kavli Thiên văn học (được xem như “Nobel thiên văn học”) và giải Shaw (Nobel phương Đông).

Lưu Lệ Hằng (SN 1963) ở Sài Gòn, làm việc tại Khoa Thiên văn học, Viện Đại học Harvard, Phòng thí nghiệm Lincoln, Viện Công nghệ Massachusetts. Hiện bà đang nghiên cứu, chế tạo các thiết bị thiên văn và giải pháp công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

GS Lưu Lệ Hằng chụp hình lưu niệm với vợ chồng GS Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng trong buổi giao lưu, trò chuyện với công chúng Bình Định tháng 7/2015.
GS Lưu Lệ Hằng chụp hình lưu niệm với vợ chồng GS Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng trong buổi giao lưu, trò chuyện với công chúng Bình Định tháng 7/2015.

“Tôi cũng như những phụ nữ bình thường khác”

Bà là nữ bác học danh tiếng người Mỹ gốc Việt được GS. Trần Thanh Vân - người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam - mời tham gia sự kiện khai mạc Hội nghị khoa học “Các hệ hành tinh: Một quan điểm đồng vận”, trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XI tại TP Quy Nhơn.

Nữ bác học dáng nhỏ nhắn xuất hiện ở Quy Nhơn với hình ảnh không thể giản dị hơn, chỉ với giày vải thể thao, bộ váy áo nhẹ nhàng, có hôm bà vận bộ đồ ka-ki nhiều túi, áo thun giản dị. Thậm chí lúc tham gia một sự kiện cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các lãnh đạo cùng các nhà khoa học, bà vẫn trong trang phục chẳng khác gì với mấy chị “Tây ba lô” đang hiện diện trên đường phố Quy Nhơn.

“Tôi không đặt nặng vấn đề ăn vận thế nào là phù hợp miễn tiện lợi, thoải mái cho công việc. Đừng quá lố là được. Các nhà khoa học thường lười chăm chút hình thức bởi cả ngày họ vùi đầu trong phòng thí nghiệm. Họ dành thời gian cho việc khác, hữu ích hơn. Ở Việt Nam còn nặng hình thức, lễ nghi quá”, GS Hằng thẳng thắn chia sẻ.

Đề cập tới chuyện đời tư, khi được hỏi nếu chỉ đam mê, vùi đầu vào nghiên cứu khoa học thì thời gian đâu để Giáo sư chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, Giáo sư cười phá lên: Đây là câu hỏi hay nhất mà tôi được nghe khi về Việt Nam. Các nhà báo, phóng viên khi nào cũng đặt câu hỏi về việc nghiên cứu, khám phá, hỏi nhiều đến mệt mỏi. “Tôi cũng như bao phụ nữ Việt Nam bình thường khác. Tôi có một đứa con và hai con chó. Tôi cũng đi chợ, nấu ăn, lo cho con ăn, đưa con đi học. Khi rảnh tôi dắt chó đi chơi vì tôi rất yêu chúng. Tôi rất yêu loài vật và cũng thích khám phá những cái mới…”, GS Hằng chia sẻ.

GS Lưu Lệ Hằng trồng cây lưu niệm tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP Quy Nhơn (Bình Định).
GS Lưu Lệ Hằng trồng cây lưu niệm tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP Quy Nhơn (Bình Định).

Không có gì là quá muộn nếu bạn thích

Ngoài tham gia sự kiện khai mạc Hội nghị khoa học “Các hệ hành tinh: Một quan điểm đồng vận” tại TP Quy Nhơn, Giáo sư Lưu Lệ Hằng còn có buổi giao lưu, trò chuyện với hàng ngàn sinh viên, học sinh và công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định. “Các bạn trẻ Việt Nam có rất nhiều câu hỏi rất hay, thông minh. Những câu hỏi tò mò là bước đầu để các em đến với nghiên cứu khoa học. Khoa học đòi hỏi sự đam mê, kiên nhẫn và luôn cố gắng hết mình. Nghiên cứu khoa học, khám phá vũ trụ không bao giờ là quá muộn. Ngay từ bây giờ, bạn có thể bắt đầu nếu đó là sở thích, đam mê của các bạn…”, GS Hằng dành lời khuyên cho các bạn trẻ tại Quy Nhơn.

Cái duyên đến với “nghiệp của trời” của bà cũng rất ngẫu nhiên. “Trong chuyến thăm Jet Propulsion Laboratory NASA, tôi bị mê hoặc bởi những bức ảnh gửi về từ tàu không gian Voyager. Nó đẹp đến không thể cưỡng nổi”, GS Hằng chia sẻ.

Năm 1984, bà nhận bằng Cử nhân Vật lý tại Đại học Stanford, rồi đến làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts, dưới sự hướng dẫn của GS David C.Jewitt. Tại đây, bà đã cùng một số GS nghiên cứu về các vật thể di chuyển chậm bên ngoài hệ Mặt trời. Năm 1992, sau 5 năm quan sát, họ khám phá ra vành đai Kuiper với 70.000 thiên thạch, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái dương hệ để đưa bà và đồng nghiệp đến đỉnh vinh quang bằng giải Kavli 2012.

“Khó khăn lớn nhất khi chúng tôi đi tìm kiếm vành đai Kuiper là không ai tin chúng tôi. Họ cho rằng việc làm của chúng tôi chỉ phí thời gian, phí tiền. Tôi và GS Dave phải làm mọi cách theo đuổi mục tiêu để chứng minh việc mình làm là đúng. Việc mình làm có người thích, có người cũng không thích. Cái gì mình đam mê, thích, thật sự quan trọng cho xã hội thì nên làm. Thế nào cũng thành công thôi. Ngành nào cũng vậy, phải có thất bại mới có thành công. Khoa học là như vây. Đôi khi mình nghĩ cái này đúng, nhưng khi nghiên cứu phát hiện sai thì mình bỏ, phải tìm cái khái niệm mới đúng hơn . Khoa học luôn luôn thay đổi và người làm nghiên cứu luôn luôn đi tìm giá trị đúng, bỏ đi cái sai”, nhà khoa học chia sẻ.

Bẵng đi 20 năm sau từ ngày phát hiện vành đai Kuiper, bà cùng đồng nghiệp bất ngờ được tin nhận giải thưởng cho công trình này. “Tôi thật sự ngạc nhiên, mới đầu nhận email thông báo tôi cứ nghĩ đó là thư spam còn định xóa”, GS Hằng vui vẻ chia sẻ.

Nữ bác học gốc Việt đầu tiên “hạ bệ” Diêm Vương tinh - 3

Tôi yêu Quy Nhơn - Việt Nam

Ngoài hoạt động học thuật tại ICISE và giao lưu khoa học, GS Lưu Lệ Hằng dành thời gian còn lại tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định như: Bảo tàng Quang Trung, Tháp bánh ít, viếng các chùa, tắm biển Quy Nhơn… Ngoài đam mê thiên văn học, bà còn nghiên cứu Phật học, đi du lịch và tham gia bảo về môi trường.

Cảm nhận về thành phố biển Quy Nhơn, bà nói: Quy Nhơn là thành phố yên bình, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhất là buổi sáng được thả bộ trên bãi biển cát vàng, nước biển trong xanh thì thật tuyệt. Tuy nhiên bà cũng tỏ ra lo lắng bởi các dự án du lịch, nhà hàng sát biển mọc lên phá vỡ cảnh quan thiên nhiên thì thật đáng tiếc. “Phát triển kinh tế là cần nhưng phải biết nâng niu di sản tự nhiên. Đâu thiếu chỗ xây khách sạn, khu du lịch, sao nhất thiết phải kéo ra tận bờ biển. Vẻ đẹp thiên nhiên là không thể tái tạo. Phá bỏ nó đồng nghĩa đánh mất nguồn tài nguyên vĩnh viễn”.

Doãn Công

Báo Khuyến học & Dân trí Tết Bính Thân 2016